26/03/2019 - 05:23

Không nên lạm dụng thuốc “bổ máu” 

Sắt là một thành phần quan trọng trong tạo máu và chuyển hóa. Thiếu sắt sẽ gây ra tình trạng thiếu máu và ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Ngược lại quá tải sắt trong cơ thể cũng gây ra ứ đọng sắt tại các mô như: tim, gan, tuyến nội tiết... dẫn đến rối loạn trầm trọng chức năng các cơ quan này.

Bác sĩ BVHH-TMCT khám cho bệnh nhân thalassemia thường xuyên thải sắt do dư sắt. Ảnh: H.HOA

Bác sĩ BVHH-TMCT khám cho bệnh nhân thalassemia thường xuyên thải sắt do dư sắt. Ảnh: H.HOA

 

Dư sắt do lạm dụng thuốc

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ (BVHH-TMCT) thường xuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tăng sắt (còn gọi là bệnh dư sắt, ứ sắt). Trong đó nhiều nhất là các bệnh nhân thiếu máu mạn tính, bệnh lý về máu, ung thư máu… phải thường xuyên truyền máu. Do đó, dẫn đến tăng sắt, phải thải sắt. Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Sương, 76 tuổi, bị bệnh thalassemia 2 năm nay ở BVHH-TMCT, cho biết: “Khoảng từ 1-3 tháng, tôi phải nhập viện để truyền máu và thải sắt. Lúc đầu truyền dịch để thải, bây giờ bác sĩ cho thuốc uống để thải sắt. Bác sĩ cũng tư vấn kiêng những món ăn giàu sắt như thịt bò, rau muống, rau dền, củ dền…”.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Danh Chường, Trưởng khoa Điều trị, bên cạnh những bệnh nhân truyền máu thường xuyên, thực tế tại Khoa khám bệnh, gặp rất nhiều bệnh nhân dư sắt do lạm dụng thuốc sắt, đặc biệt phụ nữ mang thai. Trong quá trình mang thai, nhu cầu sắt trong cơ thể tăng để tăng tạo máu nuôi dưỡng bào thai nên uống sắt, 3B, khoáng chất bổ sung,… là rất đúng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có mang gen bệnh (nhưng không biểu hiện bệnh), đang dư sắt, uống thêm sắt thì càng làm tăng nguy cơ ứ sắt, càng nguy hiểm hơn và họ không hề hay biết. Thuốc sắt thì khá phổ biến, đa dạng, tương đối rẻ, dễ mua nên cũng dễ bị lạm dụng, sử dụng mà không thông qua chuyên gia tư vấn.

Sự tích tụ sắt trong một thời gian dài sẽ làm tổn thương các cơ quan, gây ra các bệnh lý sạm da, suy gan, xơ gan, ung thư gan, suy tim, đái tháo đường,… có thể đe dọa đến tính mạng. Biểu hiện của bệnh tăng sắt là nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm cân, sạm da, đau khớp, rụng tóc, đái đường, gan to, lách to, giảm ham muốn tình dục…

Theo các bác sĩ, nhu cầu cơ thể 1-3 mg sắt/ ngày. Nguyên nhân của bệnh dư sắt có nhiều: Do đột biến gen kiểm soát lượng sắt hấp thu từ nguồn thực phẩm, khiến cho cơ thể hấp thu quá nhiều sắt từ đường tiêu hóa hoặc do ăn uống nhiều thực phẩm chứa chất sắt; do sử dụng các dụng cụ đựng nước, đựng rượu, nấu rượu hoặc uống nước có nhiễm nồng độ sắt cao lâu ngày nên gây tích lũy sắt và trở thành bệnh ứ sắt; lạm dụng thuốc sắt; nghiện rượu, bệnh lý hủy tế bào gan, các loại bệnh viêm nhiễm và một số bệnh lý mãn tính, ung thư máu, bệnh thalassemia phải thường xuyên truyền máu nhiều lần, dẫn đến dư sắt…

Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Theo bác sĩ Danh Chường, để phát hiện cơ thể có tăng sắt hay không, bác sĩ chỉ định các xét nghiệm như: Huyết đồ, tủy đồ, sinh hóa (sắt, ferritin, TIBC, Transferin), xét nghiệm di truyền, siêu âm tim, điện tim, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm chức năng gan hoặc sinh thiết gan… Việc điều trị nhằm giảm lượng sắt thừa và duy trì nồng độ sắt trong cơ thể đến mức bình thường; ngăn chặn sự tổn thương các cơ quan do sự tích tụ sắt gây ra và điều trị các biến chứng ở gan, tim… (nếu có).

Có nhiều phương pháp điều trị như: trích bỏ máu  (phương pháp này tương tự như quá trình hiến máu, một lượng máu khoảng 500ml được lấy ra từ 1-2 lần mỗi tuần tùy theo mức độ tích tụ sắt) hay huyết tương hoặc dùng thuốc (Deferasirox). Tùy theo việc dư sắt ảnh hưởng đến cơ thể bệnh nhân, bác sĩ điều trị đái tháo đường, đau khớp, ổn định nhịp tim hay điều trị giảm sinh lực bằng testosterol. Ngoài các phương pháp này, cần áp dụng các biện pháp sau để giảm lượng sắt tích tụ trong cơ thể như: Hạn chế lượng thức ăn giàu chất sắt, các thực phẩm có chứa vitamin C vì vitamin C gia tăng hấp thu sắt trong thực phẩm. Nên ăn càng nhiều rau, trái cây có nhiều chất xơ làm giảm hấp thu sắt... Ngoài ra, kết hợp với những nhóm thực phẩm cản trở sự hấp thu sắt vào cơ thể như: thực phẩm giàu canxi (sữa, sữa chua, phô mai…), nhóm thực phẩm giàu phốt-pho, thực phẩm chứa oxalate; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh lý để kịp thời điều trị.

Với phụ nữ mang thai, sau sinh, phụ nữ sau kỳ kinh nguyệt, người phát hiện thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, ù tai, mất tập trung…), trước khi uống sắt thì nên đi khám tại BV chuyên khoa huyết học. Sau đó uống sắt vẫn chưa muộn, không nên uống thuốc khi chưa rõ về bệnh lý.

H.HOA

Chia sẻ bài viết