08/04/2014 - 20:55

“Vừa đi vừa khóc”

Không mới nhưng vẫn thu hút

"Vừa đi vừa khóc" (36 tập, phát lúc 21 giờ 15 phút, từ thứ Hai đến thứ Tư hàng tuần trên VTV3) do Vũ Ngọc Đãng viết kịch bản và đạo diễn, được xem là tác phẩm trở lại của anh sau 5 năm, kể từ phiên bản Việt "Ngôi nhà hạnh phúc"(2009).
Đến nay phim đã được phát sóng gần 1/3 số tập và nhận được sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là giới trẻ với vô số ý kiến khen chê trái chiều.

"Vừa đi vừa khóc" vẫn có nội dung, cách xây dựng nhân vật và phong cách làm phim mang dấu ấn riêng của Vũ Ngọc Đãng. Và không có gì mới sau chừng ấy năm! Nhiều khán giả cho rằng mô típ trong "Vừa đi vừa khóc" quá giống "Bỗng dưng muốn khóc" - bộ phim từng được khán giả đón nhận nồng nhiệt năm 2008. Vẫn là câu chuyện cổ tích thời hiện đại: cô gái nghèo gặp gỡ, giúp đỡ và yêu chàng công tử nhà giàu. Tính cách của các nhân vật cũng na ná nhau: nữ chính vô tư, mạnh mẽ, còn nam chính lúc đầu yếu đuối, trải qua thử thách mới rắn rỏi, trưởng thành. Và ngoài nữ chính trong các phim có thay đổi, nhiều tuyến nhân vật quan trọng trong phim của Vũ Ngọc Đãng do cùng một diễn viên hóa thân hết phim này đến phim khác. Nam chính vẫn là Lương Mạnh Hải và vai cha của nhân vật do Lương Mạnh Hải thủ diễn không ai khác ngoài diễn viên Nguyễn Văn Tùng. Họ là cha con từ "Bỗng dưng muốn khóc", "Ngôi nhà hạnh phúc" cho đến "Vừa đi vừa khóc". Những điều đó làm cho các bộ phim của Vũ Ngọc Đãng cứ từa tựa nhau khiến khán giả đâm ngán bởi ăn hoài một món.

Đông Dương (Minh Hằng, trái) và Hải Minh (Lương Mạnh Hải) trong "Vừa đi vừa khóc".

Tuy nhiên, trong mặt bằng phim Việt hiện nay, "Vừa đi vừa khóc" vẫn là bộ phim đáng xem. Vũ Ngọc Đãng đã dùng lòng hiếu thảo làm điểm nhấn cho bộ phim này, dù như mọi khi câu chuyện của anh có phần phi lô-gic. Nhân vật nữ chính trong phim, Đông Dương (Minh Hằng) phải giả trai và sống dưới thân phận một đứa con trai hơn 20 năm (?) để bà nội không đuổi mẹ của Đông Dương ra ngoài đường vì không sinh được con trai nối dõi tông đường. Nam chính Hải Minh (Lương Mạnh Hải) bỏ nhà cao cửa rộng làm người lượm ve chai để tìm người mẹ đã bỏ rơi anh từ nhỏ. Hai con người với bí mật thân thế trở thành bạn, tạo nên một phim về tình gia đình, tình yêu khá hài hước và lắng đọng. Mỗi nhân vật trong phim đều có sức sống riêng, dù chỉ là nhân vật phụ. Thêu (Nhã Phương), cô gái thầm yêu Đông Dương; anh chàng bán cá Lố (La Quốc Hùng) si tình Thêu; bà nội Đông Dương (NSƯT Lê Thiện)… không chỉ là "lá xanh" tô điểm cho các nhân vật chính, mà còn có suy nghĩ và hành động riêng, tạo tình huống và kịch tính cho phim.

"Vừa đi vừa khóc" có những khung hình "sạch sẽ" dù bối cảnh chính là xóm lao động nghèo với những con người lam lũ. Cách khai thác góc máy khiến khung cảnh đó trở nên đẹp và nên thơ hơn.

Dù không có nhiều bứt phá nhưng "Vừa đi vừa khóc" vẫn là phim đáng xem trong thời điểm phim Việt hiện đại, bởi nội dung luôn hướng người ta đến yêu thương và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Ái Lam

Chia sẻ bài viết