15/08/2010 - 21:21

Tăng trưởng kinh tế 7 tháng đầu năm

Khởi sắc, nhưng chưa như mong đợi

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm chỉ tăng 3,7% so cùng kỳ (trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu). Ảnh: THU HÀ

Tác động của suy giảm kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu của mặt hàng gạo, thủy sản… sụt giảm, giá cả đầu vào leo thang, nhưng TP Cần Thơ vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong 7 tháng đầu năm. Song, xét trên từng ngành, lĩnh vực cụ thể thì tốc độ tăng trưởng vẫn chưa như mong đợi. Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm, cần sự nỗ lực toàn diện của các ngành.

Tín hiệu lạc quan...

Theo thống kê của ngành Công thương thành phố, trong 7 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố thực hiện trên 10.904 tỉ đồng, đạt gần 57% kế hoạch và tăng 14% so cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp ngoài quốc doanh dẫn đầu về giá trị với hơn 8.987 tỉ đồng, đạt 55,3% kế hoạch năm và tăng 14,6% so cùng kỳ. Thế mạnh của ngành công nghiệp thành phố vẫn là công nghiệp chế biến, với tỷ trọng 98,2% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố. Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến tăng so với cùng kỳ như: các loại thủy sản đóng hộp tăng 14,3%, thủy hải sản ướp đông tăng 11%, xay xát gạo tăng 6,3%... Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng thực hiện trên 22.731 tỉ đồng, đạt 78,4% kế hoạch, tăng 22,4% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện hơn 441 triệu USD, đạt 50,7% kế hoạch năm và chỉ tăng 1,6% so cùng kỳ. Nhiều mặt hàng tăng trưởng khá như may mặc được đánh giá chịu tác động mạnh nhất trong suy giảm kinh tế, nhưng sản phẩm may mặc của thành phố đã tăng 72,9% so cùng kỳ, thủ công mỹ nghệ tăng 56,3%... Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội trong hậu suy thoái kinh tế đã thực hiện nhiều giải pháp như tiết kiệm năng lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy sản xuất.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Dù có nhiều biến động, nhưng sản xuất công nghiệp ổn định và giữ đà tăng trưởng. Hiện 9 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa hè thu tạm trữ đang đẩy mạnh tiến độ thu mua, đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành chỉ tiêu. Các ngân hàng cũng nới lỏng cho vay sản xuất, nên phần nào gỡ khó cho doanh nghiệp”. Theo ông Hừng, tháng 8 và 9 là cột mốc quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của năm 2010. Hiện nay, các nhà nhập khẩu đã chào giá mặt hàng gạo và thủy sản, sự khởi sắc của hai mặt hàng này sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của thành phố.

Mặc dù thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố chưa đạt yêu cầu, quy mô dự án nhỏ, nhưng việc thu hút đầu tư trong nước đạt khá. Trong 7 tháng, thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 722 doanh nghiệp các loại hình, vốn đăng ký 2.788 tỉ đồng. Đây là nguồn thúc đẩy và gia tăng giá trị sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn cho sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, gạo đang gặp khó khăn về thị trường, nguồn nguyên liệu cho chế biến. Nhiều doanh nghiệp thủy sản hoạt động cầm chừng. Do vậy, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2010 phải tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề”. Hiện nay, đảm bảo nguyên liệu (tôm, cá tra) cho chế biến của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do diện tích nuôi giảm, thị trường đầy rủi ro, trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng, làm doanh nghiệp và người nuôi đều gặp khó. Thêm vào đó, vốn cho sản xuất cũng không dễ dàng tiếp cận.

Vẫn ít cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Cuối tháng 7-2010, tổng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trên địa bàn TP Cần Thơ đạt 22.400 tỉ đồng, chiếm 68,9% tổng dư nợ và tăng 32,3% so cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đạt 32.500 tỉ đồng, tăng 19,6% so cùng kỳ; trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 74,8% (24.300 tỉ đồng). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 10 tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối tháng 6-2010, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 1.096 tỉ đồng, chiếm 3,38% tổng dư nợ, với số tiền vay đã được hỗ trợ trên 35,9 tỉ đồng. Có thể nói, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tăng cường có hiệu quả các biện pháp huy động vốn để cho vay, góp phần mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm, lãi suất huy động VND giảm 0,2 - 0,4%/năm, hiện phổ biến ở mức 11 - 11,2%/năm (lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp nhất là 10,6%/năm); lãi suất cho vay VND giảm 0,5 - 1,5%/năm, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 3 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu và doanh nghiệp nhỏ và vừa) phổ biến ở mức 12 - 12,5%/năm, lãi suất cho vay các nhu cầu khác phổ biến ở mức 13 - 15%/năm. Lãi suất huy động và cho vay bằng USD tương đối ổn định so với tháng 6, ngoại trừ một số ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,3 - 0,5%/năm. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, mở rộng sản xuất. Nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa đủ khả năng để chịu đựng lãi suất hiện tại. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãi suất vay phải ở mức dưới 12%/năm, doanh nghiệp mới mạnh dạn vay đầu tư sản xuất.

Trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố, gạo và thủy sản là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng cao với trên 80%, nhưng thủy sản chỉ tăng 3,7%, gạo giảm 42,8% về sản lượng. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 11,3% so cùng kỳ, các mặt hàng nhập khẩu chỉ đạt 41% kế hoạch, với hơn 213 triệu USD, hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất là chủ yếu. Rõ ràng, tác động của suy giảm kinh tế, thị trường nhập khẩu và cả thị trường trong nước bị sụt giảm, ảnh hưởng đến tiêu dùng của doanh nghiệp. Nguồn vốn lãi suất thấp là vấn đề mà không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng ngại đầu tư đổi mới công nghệ, vì sợ rủi ro.

Theo nhận định của ngành công thương, các tháng cuối năm 2010 là thời điểm quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu về sản xuất, xuất khẩu. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản (tôm) phải hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, nên doanh nghiệp khó đáp ứng những đơn đặt hàng lớn. Còn mặt hàng gạo, một số nước xuất khẩu đang đẩy mạnh xuất, với giá cạnh tranh với gạo Việt Nam. Mặt hàng cá tra cũng vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu. Do vậy việc tận dụng cơ hội và vượt qua khó khăn là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết