12/02/2011 - 22:02

Dịch chuyển cơ cấu kinh tế

Khởi nguồn từ nông nghiệp

Tái cấu trúc nền kinh tế là một trong những định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020. Và nội dung hàng đầu, quan trọng là thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ổn định và phát triển nông nghiệp. Đây cũng là nền tảng để đất nước đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

“Phi nông bất ổn”, “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt”

Nghiên cứu sản xuất thử và nhân giống phục vụ cho chương trình chuyển đổi cơ cấu giống lúa tỉnh Sóc Trăng.
Ảnh: XUÂN TRƯỜNG. 

Những năm qua, một trong những biểu hiện tích cực, thể hiện những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta là nền kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thời kỳ từ năm 1990 trở về trước, tỷ trọng Khu vực I (nông, lâm, thủy sản) cao nhất trong 3 khu vực, với nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là trọng điểm số một, đây là thời kỳ chúng ta xác định ổn định nông nghiệp để ổn định đời sống xã hội. Do vậy, tỷ lệ này là hợp lý thời điểm ấy, cũng bởi trong suốt thời gian dài chúng ta vẫn là nước nông nghiệp và lại độc canh cây lúa. Và khi đó, khu vực II (công nghiệp) và khu vực III (dịch vụ) chiếm tỷ trọng nhỏ.

Từ năm 1991 đến nay, Việt Nam thoát dần khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đi vào ổn định, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu lương thực có khối lượng lớn đứng thứ hai, thứ ba thế giới, nông nghiệp đã có điều kiện phát triển tương đối toàn diện, thì quan điểm “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt” lại trở thành phương châm hành động. Đồng thời, nhờ đổi mới, mở cửa hội nhập, nên chuyển sang thời kỳ này tăng trưởng Khu vực II và Khu vực III đạt tốc độ nhanh hơn, tỷ trọng của hai khu vực này đã cao lên. GDP bình quân đầu người đã tăng nhanh, tích lũy và đầu tư đã tăng lên, qua đó, vị thế đất nước đổi khác.

Tái cấu trúc nền kinh tế trước hết là tái cấu trúc nông nghiệp

Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu GDP đến năm 2015 là khu vực II và III đạt 80- 83%, khu vực I đạt 17- 20%; đến năm 2015 tương ứng là 85% và 15%.

Xác định quá trình cũng như mục tiêu phát triển rõ ràng, nền kinh tế đất nước đã và tiếp tục đang được định hướng: bắt đầu từ nông nghiệp, phát triển trên cơ sở giữ ổn định nông nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế trước hết là tái cấu trúc nông nghiệp. Dịch chuyển cơ cấu kinh tế trước hết là dịch chuyển cơ cấu trong nông nghiệp. Tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt đầu tư phát triển thế mạnh về thủy sản...

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh “phải hết sức coi trọng vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của nông nghiệp trong việc ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân”. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra những định hướng quan trọng trong việc tái cấu trúc đối với nông nghiệp:

- Một là, xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích (trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp còn ít).

- Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa áp dụng khoa học công nghệ với tổ chức sản xuất; giữa sản xuất, chế biến với phân phối trong một chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị đó.

- Ba là, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.

Tỷ trọng khu vực II trong GDP của nước ta hiện đứng thứ 5/9 nước trong khu vực, đứng thứ 15/37 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, đứng thứ 30/164 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, trong đó, công nghiệp khai thác mỏ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp điện, nước còn chiếm tỷ trọng nhỏ, công nghiệp chế biến có tỷ trọng khá. Đặc biệt, tỷ trọng gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ phát triển chậm. Đây chính là những hạn chế cần sớm được khắc phục để đưa tỷ trọng khu vực này không chỉ tăng cao mà còn phải đạt được mức độ hợp lý giữa cơ cấu các ngành.

Tỷ trọng dịch vụ cũng chưa hợp lý, của những ngành dịch vụ động lực như tài chính - tín dụng, khoa học - công nghệ còn có tỷ trọng nhỏ. Trong điều kiện xây dựng nền tảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì một trong những điều kiện tất yếu là phải tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc dân.

Về tái cấu trúc các ngành trong 2 khu vực này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra “trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

 

MINH THU (Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Chia sẻ bài viết