15/07/2018 - 16:42

Khoảng trống 

Hiện nay, nhiều địa phương đã hoàn thành và triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT). Nhiều biện pháp, cách làm được đề ra nhằm giữ gìn tinh hoa loại hình di sản này, trong đó có việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trẻ em ca gì, đờn gì khi chơi nhạc tài tử vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải.

Học sinh Cần Thơ tập ca ĐCTT trong chương trình “Sân khấu học đường”. Ảnh: DUY KHÔI

Chúng ta vẫn mong muốn truyền nghề lại cho trẻ em nhưng vẫn còn khoảng trống rất lớn về bài ca, khi mà trẻ em muốn theo ĐCTT phải ca bản nhạc của người lớn. Nội dung không phù hợp, thiếu định hướng bài bản… là những cái khó cho thế hệ kế thừa. Ở nhiều địa phương, không phải không có những nhân tố ĐCTT nhí nổi trội. Nhưng khi cất giọng, các em phải hát về tình đời và những trải nghiệm không phù hợp với lứa tuổi. Sáng tác ĐCTT cho trẻ em giờ là mảnh đất hoàn toàn trống trải. Các soạn giả không mấy mặn mà sáng tác khi tác phẩm dành cho thiếu nhi khó có đầu ra.

Thực tế từ chương trình “Sân khấu học đường” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ở nhiều địa phương những năm gần đây, việc thiếu những sáng tác mới khiến các em phải tập dượt những kịch bản quá sức mình. Thử hỏi học sinh THCS làm sao diễn nổi trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh”, “Rạng ngọc Côn Sơn”…Dẫu rằng có diễn nổi cũng không thể xem đó là tiếng lòng, sự trải nghiệm, hóa thân vào nhân vật của những em bé tuổi 12-13.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh mở cuộc vận động sáng tác lời mới cho 20 bản tổ nhạc tài tử, vọng cổ, chặp cải lương 2018 và đã nhận đến 96 tác phẩm lời mới dành cho thiếu nhi. Đây là con số rất ấn tượng, bù đắp vào khoảng trống lớn, tồn tại từ rất lâu. Kinh nghiệm của những soạn giả, tác giả, bài ca cho thiếu nhi nên chọn những bản vắn, các thể điệu vui tươi, dễ ca, dễ thuộc như Lưu thủy, Kim tiền, Nam xuân… hoặc phối hợp nhiều thể điệu như Lưu - Bình - Kim; Liên Nam, Xuân - Ai - Đảo… Có vậy, trẻ em mới có thể khoe chất giọng, tố chất tài tử của mình.

Còn nhớ năm 2016, tỉnh Bạc Liêu từng tổ chức cuộc thi sáng tác vọng cổ, bài bản tài tử cho trẻ em với hơn 120 tác phẩm dự thi. Những sáng tác mới lạ, khá hay đã tạo được ấn tượng với giám khảo. Điển hình như bài “Khi cha mẹ vắng nhà” bằng thể điệu Nam xuân: “Khi - cha mẹ vắng nhà/ Em và anh Hai/ Cùng làm hăng say/ Anh nhanh tay, quét dọn lau nhà/ Rải lúa cho gà/ Tưới mấy cây cà/ Và những chòm rau thơm…”; hay lời ca vui tươi, trẻ trung trong tác phẩm “Niềm vui của em” theo thể điệu Ngũ đối hạ: “Trường em xinh xinh tươi màu/ Trống vang thúc giục bước chân/ Bóng cây rợp lá xanh/ Tay siết chặt bè bạn yêu thương…”. 

ĐCTT rất cần những lời mới phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi để các em thỏa sức hát, truyền tải cảm xúc. Khoảng trống này đang trông chờ lực lượng soạn giả, tác giả cổ nhạc lấp đầy. 

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đờn ca tài tử