05/12/2011 - 08:42

Khoa học và công nghệ phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại hội thảo về các giải pháp KH&CN thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, trong 5 năm qua, KH&CN đã phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đất chín rồng.

 Nghiên cứu sản xuất thử và nhân giống phục vụ cho chương trình chuyển đổi cơ cấu giống lúa tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Những kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ở vùng châu thổ sông Cửu Long đã giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; tăng thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất hiện có. Các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL phát triển mạnh những sản phẩm lợi thế như: cây ăn quả có múi; sản xuất giống và nuôi thủy sản với các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi sinh thái và nuôi quảng canh cải tiến năng suất, chất lượng cao; nông nghiệp hướng đến nền sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao, nhất là trồng lúa không ngừng tăng năng suất, phẩm chất gạo ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn.

Việc nghiên cứu thành công công nghệ thiết kế, thi công và chế tạo cừ bản nhựa, đập sà lan di động dùng trong công trình thủy lợi, ứng dụng vào thiết kế và thi công các đập ngăn nước theo thời vụ ở một số địa phương phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn, rửa mặn để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm 60% - 80% giá thành so với cống đập thủy lợi đầu tư xây dựng cơ bản. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp vùng ĐBSCL; các nhà khoa học đã lai tạo được nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với những vùng đất có điều kiện canh tác 3 vụ/năm, khả năng chịu phèn, thích ứng đất nhiễm mặn, đưa năng suất lúa hiện nay đạt trên 52 tạ/ha. 69 giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích 1,63 triệu ha đất canh tác vùng ĐBSCL cho năng suất tăng hơn các giống cũ 10%, bình quân đạt 4,8 tấn/ha trở lên, góp phần tăng sản lượng thêm 500.000 - 790.000 tấn, làm lợi cho nông dân khoảng 1.200 - 1.900 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng đầu tư để nghiên cứu lai tạo các loại giống cây lương thực, trong đó có lúa, chỉ khoảng 30 tỉ đồng. Từ năm 2006 đến nay, sản lượng lúa ĐBSCL luôn đạt trên 19 triệu tấn/năm, góp phần vào việc xuất khẩu gạo hàng năm của cả nước 4 - 5 triệu tấn.

Các tỉnh ĐBSCL hiện đã làm chủ công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính và siêu đực, cá tra, cá ba sa, với năng lực sản xuất 12 tỉ cá bột/năm; làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm và sản xuất khoảng 25 tỉ con/năm; sản xuất giống cá giò, cá vược, cá song, cá hồng, cua biển, ốc hương, bào ngư phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật (Bộ KH&CN) cho biết: Từ thành công trong nghiên cứu, làm chủ các công nghệ sản xuất 4 loại giống cua biển, ốc hương, cá song và bào ngư, đã mở ra các nghề nuôi thủy sản mới, tạo cơ sở cho việc hình thành chương trình xuất khẩu các loại thủy sản trong vài năm tới, với triển vọng đạt tổng giá trị 500 triệu USD/năm và tiết kiệm khoảng 100 triệu USD/năm tiền nhập con giống. Hiện nay, mặc dù tiềm năng kinh tế ĐBSCL chưa được khai thác đầy đủ, nhưng vùng châu thổ này đóng góp cho cả nước khoảng 36% giá trị xuất khẩu nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 65% sản lượng thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu.

Để phục vụ cho sự phát triển ĐBSCL trong thời gian tới, ngành KH&CN xây dựng luận cứ khoa học cho việc quản lý tổng hợp, quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quan trọng như sinh vật, đất đai, nguồn nước, khoáng sản, kinh tế biển - đảo... Vùng Tây Nam Bộ xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn trên cơ sở nghiên cứu đề xuất những mô hình phát triển bền vững; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản, mô hình kinh tế sinh thái, các sản phẩm sinh học, chế phẩm cải tạo môi trường, xử lý ô nhiễm; đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm thiểu và phòng tránh thiên tai.

LÊ HUY HẢI (TTXVN)

Chia sẻ bài viết