18/01/2025 - 13:05

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực phát triển 

Kết quả khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hiệp Quốc cho thấy Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71, tăng 15 bậc so với năm 2022. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) là động lực chủ chốt; là yếu tố sống còn để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu. Đồng thời cũng là hiện thực hóa khát vọng hùng cường, vươn mình của dân tộc.

Hiện thực hóa chủ trương

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), quán triệt tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2024 “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và thực hiện chủ đề của ngành “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, toàn ngành TT&TT đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ để hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ. Bộ TT&TT tích cực, chủ động tập trung xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy CĐS quốc gia. Công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách tiếp tục khẳng định vai trò, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, thực hiện thành công cuộc cách mạng CĐS, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các giải pháp công nghệ, sản phẩm an toàn thông tin, CĐS tại TP Cần Thơ.

Năm 2024, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 4.243.984 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỉ đồng, tăng 15,1%. Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 989.016 tỉ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023.

Còn theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức rất cao và có vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hiệp Quốc năm 2003. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử.

Về kinh tế số, Việt Nam đang xếp thứ 41 về tỷ trọng kinh tế số/GDP. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đã gần 19%, năm 2025 dự kiến đạt và vượt mục tiêu 20%. Về lĩnh vực CĐS quốc gia, tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia ước tính đến hết tháng 12-2024 hơn 1,03 tỉ giao dịch (tăng 56% so với năm 2023); chỉ riêng năm 2024 số giao dịch thông qua nền tảng bằng 1/2 tổng số giao dịch của 4 năm trước đó. Bộ TT&TT  đã rà soát và công bố hơn 150 nền tảng số từ các bộ, ngành và địa phương nhằm tối ưu hóa đầu tư, tránh chồng lấn và lãng phí. Năm 2024, trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo được thúc đẩy ứng dụng để hướng tới cung cấp AI như một dịch vụ. Tính đến hết năm 2024 trên cả nước thành lập 93.524 Tổ công nghệ số cộng đồng, với khoảng 457.820 thành viên. Từ mô hình phát triển đơn lẻ tại địa phương, đến nay Tổ công nghệ số cộng đồng đã hình thành một mạng lưới CĐS rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác CĐS chung của quốc gia. Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức bồi dưỡng, phổ biến, tập huấn (hình thức trực tiếp/trực tuyến) tại 57/63 tỉnh, thành phố đến các Tổ công nghệ số cộng đồng, gắn với 5 nội dung kỹ năng số cơ bản phổ biến như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng nền tảng số của địa phương.

Nhiều địa phương cũng thực hiện CĐS trọng tâm hơn. Như TP Cần Thơ đã phê duyệt Đề án CĐS TP Cần Thơ giai đoạn 2025-2030, nhằm bảo đảm tránh chồng chéo, lãng phí, khắc phục, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thúc đẩy CĐS của thành phố. Ngoài ra, thời gian qua Cần Thơ đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh, triển khai giám sát các lĩnh vực: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát điều hành du lịch; giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân (phản ánh hiện trường); giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát an toàn thông tin mạng (SOC); thống kê số liệu y tế; báo cáo nhanh theo dõi giải ngân đầu tư công để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố. Ứng dụng Can Tho Smart được nâng cấp ngày càng hoàn thiện và phát triển, bổ sung các chức năng mới theo hướng tạo sự thuận tiện cho người dân. Ứng dụng đã được phê duyệt an toàn thông tin cấp độ 3. Về phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông được đầu tư phát triển với công nghệ hiện đại, băng thông rộng, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu CĐS...

Ưu tiên nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, ngành TT&TT phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thúc đẩy việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giao dịch thực hiện qua nền tảng trung bình 20%/năm. Trong thời gian tới, ngành TT&TT tập trung, ưu tiên nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng: Cách đây 5 năm, ứng dụng công nghệ thông tin là phổ biến, CĐS là rất mới. Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. Trong 5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá. Và chính tinh thần dám khai phá ấy đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và CĐS nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, khi đó xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm top 100 toàn cầu (hiện nay Việt Nam đang xếp hạng khoảng 120). Nhưng hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm tốp 50 toàn cầu. Đây là mục tiêu mà Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra cho ngành TT&TT trong thời gian tới…

Nghị quyết 57-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030: Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển...

Mới đây, phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt; đây chính là chìa khóa vàng, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu; đồng thời cũng là hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã triển khai những định hướng chiến lược được đông đảo cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây là đột phá mới trên lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nghị quyết 57-NQ/TW có thể xem là nghị quyết giải phóng tư duy, khoa học; nghị quyết để thực hiện các nghị quyết và nghị quyết của hành động, với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ các rào cản, giải phóng năng lực, để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS, tạo nền tảng cho phát triển mạnh mẽ của đất nước ta trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết