04/01/2014 - 20:10

Khó xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ ngoài trường

Năm học 2012-2013, TP Cần Thơ có trên 173.600 học sinh tiểu học (TH), THCS và THPT; trong đó có gần 26.000 học sinh THPT. Trong cơ chế thị trường ngày càng phát triển, việc giáo dục đạo đức lối sống học sinh trên địa bàn TP Cần Thơ được ngành giáo giáo dục TP Cần Thơ hết sức quan tâm; nhất là ý thức giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh, do ngành giáo dục và các bộ, ngành liên quan phát động. Đơn cử như cuộc thi ATGT cho nụ cười ngày mai do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam phối hợp tổ chức. Có 6.624 bài của học sinh tham gia, với kết quả 1 giải Ba và 19 giải Khuyến khích. Ngành giáo dục thành phố đã phát động cuộc thi "An toàn cùng xe đạp điện, xe máy điện" năm 2013 đến các trường phổ thông (với địa chỉ: www.xedapdienantoan.com, đăng ký thông tin cá nhân theo hướng dẫn có sẵn để tham gia cuộc thi)… Ngoài ra, mỗi trường phổ thông còn đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, giảng dạy lồng ghép ATGT trong trường học… nhằm giáo dục học sinh chấp hành luật lệ giao thông. Theo đánh giá của lãnh đạo ngành giáo dục, những năm học gần đây, đạo đức lối sống của đa số học sinh có nhiều chuyển biến tích cực, số học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Giao thông đường bộ giảm đáng kể.

Bà Trần Thị Xuân, Phó Ban ATGT TP Cần Thơ phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh Trường TH-THCS-THPT Quốc Văn Cần Thơ. Ảnh: K. XUÂN

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giáo dục, vẫn còn một bộ phận học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Qua thống kê, 2 năm học 2011-2012 và 2012-2013, thành phố có 83 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, thời gian qua, trường chỉ đạo Đoàn trường thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT như: thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ lồng ghép tuyên truyền quy định pháp luật ATGT, thu thập thông tin về ATGT tuyên truyền trong "Bản tin sống đẹp"… Đồng thời, trường phối hợp với các đơn vị liên quan (như Quận đoàn Cái Răng) tổ chức Diễn đàn "Tuyên truyền ATGT cho học sinh trường phổ thông". Ban Giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo Chi đoàn giáo viên kiểm tra bằng lái xe của các em học sinh vào mỗi buổi tan trường. Qua kiểm tra, nếu phát hiện học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe gắn máy theo quy định, trường sẽ giữ xe, mời phụ huynh vào trường thực hiện cam kết không để các em tái phạm về lỗi này. Thế nhưng, ông Bằng cho rằng: Việc xử lý học sinh vi phạm các quy định ATGT ngoài trường còn khó khăn. Bởi vì, đối với những em chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái xe nhưng cố tình điều khiển phương tiện giao thông và né tránh cán bộ của trường (gởi xe ngoài trường hoặc bị vi phạm ATGT), trường rất khó kiểm tra. Vì thế, trường rất cần sự tiếp tay trong giáo dục, nhắc nhở của phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương. Theo cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, mặc dù nỗ lực tuyên truyền để học sinh chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ nhưng trường không thể kiểm tra tất cả học sinh sử dụng phương tiện giao thông ngoài trường khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe… Vì vậy, điều quan trọng là ý thức của học sinh và sự quản lý, giáo dục của phụ huynh về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Rõ ràng, bên cạnh các phong trào hoạt động của ngành giáo dục nói chung, trường phổ thông nói riêng thì cần có sự phối hợp của phụ huynh trong việc tuyên truyền, giáo dục giúp học sinh hiểu sâu sắc và tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

NG.NGÂN

 

Chia sẻ bài viết