30/12/2009 - 21:33

THÁNG ĐẦU NĂM 2010

Khó khan hàng, sốt giá

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2009 tăng 6,3% so với tháng 12-2008 và tăng 1,69% so với tháng trước. Tháng đầu năm 2010, thời điểm tiêu dùng tăng, đẩy giá cả hàng hóa tăng cao do người dân chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán…Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Công Thương TP Cần Thơ, khó có khả năng xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

* 7/11 nhóm hàng tăng giá

Các cơ sở kinh doanh tập trung chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tăng cao vào dịp Tết 2010. Ảnh chụp tại Trung tâm Thương mại Cái Khế. Ảnh: T.Long 

Theo số liệu công bố của Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 12-2009, 7/11 nhóm hàng hóa đưa vào tính CPI chỉ số giá tăng so với tháng 11-2009. Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2,88%); đặc biệt trong đó, nhóm hàng lương thực tăng đến 10,64%. Đứng vị trí tăng thứ hai trong “rổ hàng hóa” tính CPI là nhóm giao thông với mức tăng 2,59%; kế đến là nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 2,41%. Các nhóm hàng tăng còn lại (may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng và gia đình; giáo dục) chỉ số giá chỉ tăng từ 0,03-1,76%. Các nhóm hàng khác như: thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; văn hóa, thể thao và giải trí; hàng hóa và dịch vụ khác trong tháng 12-2009 không tăng, không giảm so với tháng trước.

Kết quả của CPI tháng 12-2009 tăng do giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường có biến động tăng. Theo ghi nhận của Cục Thống kê TP Cần Thơ, so với tháng 11-2009, giá rau cải các loại tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg do nguồn cung ít (chủ yếu từ Đà Lạt), chi phí vận chuyển tăng; giá đường cát cũng được ghi nhận tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg... Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, thời gian gần đây, do nhu cầu lúa gạo của thế giới tăng cao nên giá gạo xuất khẩu cũng tăng dần lên, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam hiện nay khoảng 530-550 USD/tấn, bình quân tăng 70 - 80 USD/tấn so tháng trước. Trong khi đó, hiện nay đang vào thời điểm giáp vụ sản xuất lúa, nên nguồn cung gạo nguyên liệu trong nước hạn chế, đồng thời các doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung của Chính phủ vào quý I/2010. Vì thế, giá lúa, gạo trong nước trong tháng cũng tăng mạnh do các doanh nghiệp và thương lái đang đẩy mạnh thu mua. Giá gạo nguyên liệu các loại từ 5.400 – 9.000 đồng/kg, tăng 900-2.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong tháng 12-2009, nhiều loại mặt hàng còn được ghi nhận tăng giá như: ga, sắt, thép, xi măng, dầu ăn...

* Khó khan hàng, sốt giá

Thông thường, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng cao, giá cả hàng hóa theo đó cũng tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC), sức mua dự báo trong dịp Tết 2010 so với cùng kỳ sẽ không biến động nhiều. Bởi giá heo hơi trong tháng qua đã chựng lại, không biến động nhiều và chỉ ở mức 29.000 – 30.000 đồng/kg. Mặt hàng gia súc, gia cầm cũng không tăng nhiều trong dịp Tết vì nguồn cung hiện tại trong dân đang phát triển cả ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Giá các loại cá sẽ không tăng hoặc tăng ít vì lượng cá nuôi của các nguồn cung (chủ yếu tại An Giang) tăng gấp 3 – 4 lần cùng kỳ năm 2008. Cũng theo Công ty C.T.C, các mặt hàng bia, nước giải khát nhà phân phối thông báo sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, Tết 2010, các mặt hàng này sẽ không tăng giá một lần như mọi năm mà chỉ tăng nhẹ từ 2 – 3%/lần và khoảng 2 – 3 lần trong dịp Tết nhằm tạo tâm lý dễ chấp nhận hơn cho khách hàng. Riêng các mặt hàng bánh kẹo, mứt... sức mua của thị trường sẽ thấp và giá có khả năng tăng cao vì các mặt hàng này chủ yếu phục vụ cho các giỏ quà tặng. Với nhận định và dự báo tình hình như vừa nêu, đáp ứng nhu cầu của người dân, Công ty C.T.C có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình... phục vụ Tết 2010 khoảng 7,1 tỉ đồng.

Về giá cả hàng hóa trên thị trường, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, TP Cần Thơ, cho biết: Ngoài một số mặt hàng điện tử, may mặc... đang được các nhà phân phối giảm giá để tăng lượng bán vào dịp cuối năm, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường đang có xu hướng tăng nhưng đang tăng ở mức hợp lý và khó có khả năng tăng đột biến vào các ngày lễ, Tết. Một trong những nguyên nhân, theo ông Hừng, lượng hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu rất đa dạng, phong phú đáp ứng khá tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, hiện nay, không riêng gì Công ty C.T.C, chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2010, các doanh nghiệp ngành thương mại trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai kế hoạch sản xuất, dự trữ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Để bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, ông Lê Văn Hừng, cho biết: Một trong những công tác trọng tâm của ngành Công Thương trong tháng 1-2010 là theo dõi tình hình triển khai thực hiện việc thu mua, sản xuất, chế biến và dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần năm 2010; tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị và Phòng Kinh tế, phòng Công Thương các quận, huyện thực hiện Kế hoạch đưa hàng Việt về nông thôn. Đồng thời, ngành Công Thương thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm tra thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là 10 mặt hàng thiết yếu phục vụ Lễ, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2010 ngay trong tháng đầu năm.

Hà Triều

Chia sẻ bài viết