12/11/2010 - 20:52

BỆNH LẠ, CHUỘT, MẶN “BAO VÂY” LÚA ĐÔNG XUÂN

Khó khăn chồng chất

Nông dân vùng U Minh Thượng - Kiên Giang phải cấy lúa nhiều lần do ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập và bệnh lạ tấn công ngay đầu vụ đông xuân.

Chuột, bệnh lạ và xâm nhập mặn đang “bao vây” các cánh đồng lúa đông xuân một số nơi ở tỉnh An Giang và Kiên Giang. Nỗi lo càng thêm chồng chất khi ngành nông nghiệp tiếp tục cảnh báo nguy cơ hạn hán rất cao và khả năng dịch bệnh sẽ tăng đáng kể do vòng quay của đất quá ngắn. Mùa lúa chính vụ năm nay đang đứng trước nhiều khó khăn...

LŨ THẤP, CHUỘT TẤN CÔNG VÙNG BẢY NÚI

Do mực nước mùa lũ năm nay đạt thấp, chuột đồng phát tán dữ dội. Chuột tấn công lên vùng đất ruộng trên của vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Thậm chí, vườn tược, rẫy trồng màu trên triền núi cũng bị chuột tấn công. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, mật độ chuột cắn phá trong những ngày qua từ 5 - 10 % diện tích và rải rác khắp nền đất lúa. Mức thiệt hại này chưa đến mức báo động nhưng cũng là điều lo lắng khi chúng phát triển khá nhanh. Trong khi, vụ đông xuân này là vụ chính của đất ruộng trên. Theo đó là hàng loạt diện tích trồng màu cũng gieo sạ trên đất gò đồi, triền núi. Hạt giống gieo xuống trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho chuột để chúng sinh sôi và phát tán nhanh hơn...

Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Tịnh Biên- Dương Ánh Đông, cho biết: “Lũ thấp nên chuột sinh sôi và phát triển mạnh sang vùng cao. Hiện nay, đồng ruộng ở các xã An Nông, An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung Hiện đã xuất hiện chuột phá hại mùa màng. Dọc theo các triền, đồi vùng núi chuột cũng tấn công các rẫy trồng hoa màu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất...”. Nhiều rẫy trồng bắp trên triền núi Dài, núi Cấm... bị chuột tàn phá dữ dội. Khi tỉa hột, chúng ăn bắp giống. Khi lên cây, ra trái, chúng cắn trơ trọi, có cây chỉ còn cùi. Dưới chân núi, các ruộng trồng dưa leo, dưa hấu cũng bị chuột kéo đến cắn phá trái, làm đứt dây... Theo người dân địa phương, chưa bao giờ chuột lại xuất hiện quấy phá nhiều như vụ này. Ông Chau Sên ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, ngao ngán: “Chuột cắn phá dữ quá. Trồng cây gì cũng bị chuột phá hết. Lúa đang tươi tốt, chuột cắn ngang thân thì phải cấy lại mạ mới. Hổm rày, tôi trồng thêm mạ để cấy cho ruộng. Hầu như ngày nào cũng phải cấy dặm. Có khi sáng thăm đồng, thấy chuột phá hết một đám ruộng rộng bằng cái nền nhà. Cứ cấy đi cấy lại tốn kém quá mà không biết năng suất ra sao nữa?...”. Tại Tri Tôn, khu vực trồng lúa mùa và rau màu ở núi Tô, Ô Lâm, An Tức... cũng bị chuột kéo đến quấy phá không thua gì Tịnh Biên. “Hiện nay, chuột phá hoại nông dân lo một chứ khi lúa làm đòng, trổ bông thì phải lo tới mười. Giai đoạn này, chuột phá thì tốn công, tốn giống cấy lại được. Chứ khi lúa ra hạt mà chuột phá thì kể như trắng tay. Nông dân đặt bẫy chuột, dùng ni lông bao quanh ruộng nhưng chẳng ăn thua gì...”, ông Trần Văn Năm ở xã Núi Tô, than thở.

HẾT LÚA GIỐNG VÌ MẶN VÀ BỆNH LẠ

Nông dân vùng U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) đang vất vả với lúa giống khi “không phải có tiền là mua được lúa giống”. Dù đã xuống giống sớm để né hạn nhưng hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân ở vùng này đã bị nhiễm mặn khi độ mặn lên gấp đôi đến hơn gấp đôi mức cho phép đối với nước sử dụng trồng lúa. Nhiều nơi phải gieo sạ lại 2-3 lần nhưng lúa vẫn không sống nổi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tại huyện U Minh Thượng, diện tích gieo sạ đến thời điểm này khoảng 10.000 ha có khoảng 10% diện tích gieo sạ bị thiệt hại, mức độ 50% đến mất trắng, phải gieo sạ lại. Tại huyện An Minh, diện tích thiệt hại lên đến khoảng 8.000 ha. Khu vực U Minh Thượng, gồm bốn huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng hiện đang đối mặt với xâm nhập mặn mặc dù thời điểm này chưa vào mùa hạn. Tuy nhiên, do nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít nên không “bơm” qua được vùng này dẫn đến nước mặn từ vụ tôm trước vẫn còn lưu giữ trên đồng ruộng, kênh rạch. Cùng với mặn, phèn ở vùng này, nhất là huyện U Minh Thượng, cũng không “rửa” được, ảnh hưởng trực tiếp đến vụ lúa đông xuân.

Trong khi nhiều diện tích lúa phải gieo sạ lại, những ngày gần đây, lúa vùng này lại xuất hiện bệnh lạ. Theo mô tả của nông dân địa phương, lúa 15-25 ngày tuổi đang phát triển bình thường bỗng dưng bị trắng 1-3 lá non, rồi từ từ héo dần và tàn lụi cả cây. Đây là bệnh mới gặp lần đầu. Ngành nông nghiệp địa phương hiện chưa xác định được bệnh. Trong khi, nông dân lại đoán già đoán non và trộn thuốc trị bệnh cho lúa. Nhiều nông dân nghi ngờ bệnh tuyến trùng lá nên phối hợp nhiều loại thuốc để phun xịt. Tuy nhiên, biện pháp này không được khuyến cáo. Phần lớn diện tích lúa bị bệnh lạ gây hại đều được trồng trên nền đất nuôi tôm, gieo sạ các giống mới, như: OM-5451, OM-6976, OM-2517... Có khả năng, các dư lượng hóa chất còn tồn lưu trong đất dẫn đến hiện tượng phát bệnh lạ này. Ngành nông nghiệp đã lấy mẫu thân tích, xét nghiệm để xác định bệnh và biện pháp chữa trị...

Trước những thiệt hại này, nông dân không còn giống tốt để tiếp tục sạ. Nhiều người mua những giống hiện còn trên thị trường nhưng không rõ nguồn gốc, chất lượng giống. Ông Trần Thanh Tiềm, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng), cho biết: “Ban đầu, nông dân cũng chuẩn bị những loại giống tốt, chất lượng cao nhưng gieo sạ nhiều lần riết hết vốn. Vì vậy, nhiều người tìm mua giống từ đại lý ở các huyện lân cận như Vĩnh Thuận, Tân Hiệp... mà không biết được chất lượng giống ra sao? Gieo sạ kiểu này không biết thu hoạch được gì từ vụ lúa này...”. Khả năng nguồn lúa giống tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 10% diện tích gieo sạ toàn vùng. Trong khi, nhiều diện tích phải gieo sạ lại lần hai, lần ba; còn khoảng 40% diện tích đang chuẩn bị gieo sạ. Vì thế, nguồn giống đã hiếm nay càng hiếm hơn. Nhiều nông dân “chết đứng” vì mua nhầm lúa giống bị nhiễm tạp chất, ủ không nảy mầm. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đang tập hợp nguồn giống rõ nguồn gốc bán lại cho nông dân với giá ưu đãi nhằm giảm bớt phần nào khó khăn cho nông dân. “Nhiều người ngán ngại không muốn duy trì tiếp vụ lúa đông xuân ở vùng U Minh Thượng nhưng phần lớn vùng này đất lúa-tôm nên phải duy trì diện tích trồng lúa nhằm tạo sự cân bằng sinh thái. Sau vụ lúa, nông dân lấy rạ nuôi tôm, giảm độ mặn tích tụ lâu ngày trong đất, đảm bảo vấn đề lương thực tại chỗ...”, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Minh, cho biết.

Mới đây, Bộ NN&PTNT có công điện đề nghị các địa phương thành lập Ban chỉ đạo chống hạn, mặn cùng với nông dân đối phó với thiên tai...

Bài, ảnh: DU MIÊN

Nông dân vùng U Minh Thượng - Kiên Giang phải cấy lúa nhiều lần do ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập và bệnh l̐

Chia sẻ bài viết