01/03/2018 - 14:18

Công tác quản lý hộ tịch đối với trẻ có yếu tố nước ngoài

Khó khăn chất chồng 

Tình trạng lấy chồng nước ngoài, sau đó gởi con về Việt Nam cho người thân nuôi dưỡng nhưng thiếu các thủ tục pháp lý theo quy định đang gây khó khăn cho những người làm công tác quản lý hộ tịch, đồng thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ. Ở Thốt Nốt, nhiều khó khăn vướng mắc xoay quanh những trường hợp này đang cần được tháo gỡ.

Hiện nay, trên địa bàn quận Thốt Nốt có khoảng 180 trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài. Đa số các em đều có giấy khai sinh, được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường, được chăm sóc về sức khỏe như các trẻ em khác… Tuy nhiên, trong số đó, vẫn còn vài trường hợp trẻ em chưa được đăng ký khai sinh. Nguyên nhân do trẻ sinh ra ở nước ngoài (Trung Quốc, Campuchia…), khi về cư trú tại Việt Nam, cha mẹ của trẻ không thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất nhập cảnh. Vì vậy, không có các giấy tờ chứng minh trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam để gia đình đăng ký khai sinh cho trẻ.

Người dân thực hiện thủ tục tư pháp - hộ tịch tại UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.

Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ được sinh ra ở nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc và Trung Quốc) được gởi về Việt Nam cho người thân nuôi dưỡng (trẻ về Việt Nam theo dạng đi du lịch rồi được gởi lại cho người thân ở Việt Nam), khi đăng ký khai sinh, người thực hiện thủ tục cam đoan chưa đăng ký khai sinh ở nước ngoài, nhưng chỉ xuất trình được hộ chiếu mà không xuất trình thêm được bất cứ giấy tờ nào liên quan.

Ngoài ra, một số trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài nhưng đã ly thân, hiện ở tại Việt Nam sống như vợ chồng với người khác và có con nên về thủ tục pháp lý người mẹ vẫn còn tồn tại hôn nhân với người nước ngoài. Vì thế, việc đăng ký khai sinh cho con gặp vướng mắc. Những trường hợp này, phòng Tư pháp quận đã hướng dẫn người dân đến liên hệ Tòa án nhân dân thành phố để làm thủ tục xin ủy thác ly hôn, nhưng đa số các trường hợp không thực hiện được do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và bản thân không còn giữ giấy tờ gì về người chồng...

Bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết: Hiện nay, một số quy định pháp luật về hộ tịch vẫn còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn khi áp dụng. Điển hình, theo Luật Trẻ em năm 2016, quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi không giới hạn trẻ em là người Việt Nam, mà đối tượng áp dụng còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, với quy định này sẽ có một số xung đột pháp luật với các đạo luật khác. Theo Luật Hộ tịch quy định, trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, được sinh ra ở nước ngoài hay ở Việt Nam, cha mẹ có quyền thỏa thuận chọn quốc tịch cho con, nếu trẻ có quốc tịch nước ngoài (có văn bản đồng ý của nước sở tại) vẫn được làm khai sinh tại Việt Nam. Còn theo Luật Cư trú nếu trẻ em có quốc tịch nước ngoài sẽ không được nhập hộ khẩu tại Việt Nam, dù trẻ có khai sinh do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp, do đó, trẻ sẽ không được hưởng một số quyền như Luật Trẻ em quy định.

“Với những khó khăn, vướng mắc trên, để đảm bảo quyền trẻ em, đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, đối với trường hợp trẻ em chưa đăng ký được khai sinh, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ tạo điều kiện cho những trẻ em này được tiếp tục đến trường trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và người thân của trẻ em làm thủ tục đăng ký lại theo quy định. Thêm vào đó, Công an thành phố cần xem xét giải quyết cho tạm trú dài hạn đối với những trường hợp trẻ đăng ký khai sinh sai thẩm quyền phải thu hồi và chờ đăng ký lại theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi của trẻ em theo quy định”- Bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, kiến nghị.

Các cấp chính quyền quận Thốt Nốt đã tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức tầm quan trọng của việc đăng ký hộ tịch. Đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân. Nhờ vậy, người dân tự nguyện đi đăng ký khai sinh đúng hạn đạt trên 99%; một số thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được thực hiện đúng quy định. Ông Trần Hữu Trí, cán bộ tư pháp phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Công tác hộ tịch của phường được thực hiện khá tốt, hầu hết hồ sơ đều giải quyết đúng hẹn cho người dân. Các thủ tục thực hiện trong ngày cán bộ đều cố gắng hoàn thành trong buổi, không để người dân phải đi lại nhiều lần. Còn đối với các thủ tục có yếu tố nước ngoài, tuy không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp phường, nhưng khi người dân liên hệ đều được hướng dẫn, giải thích tường tận các giấy tờ, hồ sơ cần thiết, hạn chế việc người dân đến quận lại thiếu hồ sơ, phải quay về bổ sung”.

P.Nguyễn

Chia sẻ bài viết