09/09/2017 - 16:07

Khi trẻ em hát nhạc người lớn 

“Duyên phận”, “Qua cơn mê”… những ca khúc không dành cho trẻ em lại đang được trẻ em hát ra rả trên sóng truyền hình. Đó là sự bất nhẫn của người lớn và cho thấy khoảng trống ca khúc thiếu nhi.

Ngày hội Hoa Phượng Đỏ là sân chơi hiếm hoi để các em thiếu nhi được múa hát, kể chuyện phù hợp với lứa tuổi của mình. Ảnh: DUY KHÔI

Dòng nhạc Bolero đang trở lại mạnh mẽ, lấn át thị trường giải trí, trong đó có cả thiếu nhi. Trong các chương trình truyền hình, nhiều thí sinh 8-9 tuổi, thậm chí mới 4 tuổi đã “thổn thức” với những giai điệu Bolero đầy tâm trạng.

Clip bé N.H. 4 tuổi, thí sinh của chương trình “Biệt tài tí hon” hết trải lòng với bài “Chuyện tình không dĩ vãng” rồi đến “Qua cơn mê”… trong sự phấn khích của giám khảo đang thu hút hàng triệu người xem trên mạng. Giọng hát non nớt của em lại phải gắng gồng để ra “chất trữ tình” thật tội nghiệp. Những tràng pháo tay, cười khoái trá ủng hộ của người lớn dành cho bé H. sao thật bất nhẫn!

Rồi mới đây, 2 thí sinh chưa tròn 10 tuổi của “Tuyệt đỉnh song ca nhí” nức nở hát bài “Duyên phận”, nỉ non ca: “Phận làm con gái, chưa một lần yêu ai”… ai cũng khen ngọt ngào nhưng nghĩ lại sao nghe đắng chát. Tiết mục này sau khi được Zing.vn đăng tải đã nhận được những ý kiến gay gắt.

Bạn đọc “chieu” phân tích: “Lại là bài “Duyên phận”, bài này nói về nỗi niềm lo lắng của cô gái đi lấy chồng vậy mà hết em bé này đến em bé nọ hát đi thi. Hỏi thử mấy bé đã lấy chồng rồi à?”. Còn bạn đọc “Lê Sơn” thì than vãn: “Bây giờ làm gì còn “Con cò bé bé” của trẻ em nữa, phục vụ theo ý chỉ của người lớn phải là “Duyên phận”, “Đồi thông hai mộ”, “Áo em chưa mặc một lần”... Thương mại mà”.

Nhạc thiếu nhi giờ dường như chỉ được thiếu nhi hát trong nhà trẻ, trường học. Về đến nhà là các em lại hát những gì người lớn “mớm” trong sự hò reo, cổ vũ. Bà Huỳnh Thị Đẹp, có 4 đứa cháu đang độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, nói: “Giờ kêu mấy cháu hát cho bà nghe, chúng toàn hát nhạc người lớn. Kỳ quá”.

Hẳn nhiên, cái gì trẻ em được nghe nhiều, tiếp cận nhiều thì sẽ thành ý thức. Không thể trách những trang giấy trắng, trách chăng là những nét nguệnh ngoạc mà người lớn cố tình vẽ nên. Thử xem hàng chục chương trình truyền hình thực tế đang phát sóng dành cho thiếu nhi, có chương trình nào là phù hợp với các em? Nếu không Bolero thì là rock, dân ca đương đại, trữ tình quê hương… quá sức với giọng ca và tâm hồn non nớt của các em.

Một nguyên nhân khác là ca khúc thiếu nhi hiện nay khá khan hiếm. Những ca khúc thiếu nhi được yêu thích một thời nay dường như đã “lỗi thời” trong mắt nhiều trẻ em bây giờ. Trong khi các nhạc sĩ bây giờ ngại thể nghiệm, đầu tư. Lý do là khả năng thu hồi vốn, có lãi từ các sản phẩm âm nhạc thiếu nhi dường như không có.

Trong khi sáng tác nhạc cho người lớn, sự thành công là cộng hưởng của nhiều yếu tố: độ nổi tiếng của ca sĩ thể hiện, đầu tư hình ảnh, xuất hiện trong chương trình truyền hình… thì nhạc thiếu nhi phải có sự nổi bật đơn tuyến. Điều này rất khó. Chính cái khó đó và sự chi phối của kinh tế thị trường đã khiến nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất “chào thua” nhạc thiếu nhi để thực hiện những sản phẩm dễ làm, ít bị kiểm duyệt mà vẫn nắm chắc về doanh thu.

HUỲNH MAI

Chia sẻ bài viết