05/12/2020 - 09:20

Khi quý ông chia sẻ việc nhà... 

Thấu hiểu sự vất vả của vợ, nhiều quý ông đã chủ động phụ giúp làm công chuyện nhà, chăm sóc con cái… để giảm tải gánh nặng cho bạn đời. Những việc làm tưởng chừng đơn giản này đã thật sự mang lại hiệu ứng tích cực đối với gia đình, bởi đó không chỉ thể hiện sự yêu thương, tôn trọng mà còn góp phần thúc đẩy tình cảm lứa đôi thêm khăng khít.

Sau giờ làm hoặc cuối tuần, nhiều ông bố dành thời gian cho gia đình, chơi với con, chia sẻ việc nhà với vợ.

Sau giờ làm hoặc cuối tuần, nhiều ông bố dành thời gian cho gia đình, chơi với con, chia sẻ việc nhà với vợ.

Gần 22 năm bên nhau, chị Trần Thị Thu Dung ở quận Cái Răng và chồng vẫn luôn ấm nồng hạnh phúc. Từng trải qua những ngày tháng khó khăn, ở trọ, vất vả làm thuê, anh chị luôn vững lòng vượt qua sóng gió. Bí quyết của hai vợ chồng chính là sự tin tưởng, nương tựa, đỡ đần nhau. Chị Dung kể: "Chồng tôi giỏi lắm, rất thương vợ con. Mỗi khi đi làm về, thấy cơm chưa nấu hay đồ đạc trong nhà chưa kịp dọn dẹp là ảnh xắn tay vào phụ, không nề hà gì vì ảnh biết tôi buôn bán vất vả, một mình làm không xuể. Những ngày tôi bán bún xào, cà phê, khuya là chồng thức sớm chuẩn bị chở đồ; xế trưa, chưa kịp gọi điện là ảnh ra chỗ bán phụ dọn dẹp. Hàng xóm, bạn bè, người thân đều khen ảnh tâm lý, chịu khó, có trách nhiệm với gia đình". Ðược chồng san sẻ việc nhà, chị Dung có thời gian tập thể dục, nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, tâm trạng thoải mái. Biết chồng thích ăn ngon, chị "đền đáp" bằng cách sưu tầm các món mới, nấu cho chồng con thử. Con cái lập gia đình, nhìn gương cha mẹ đầm ấm, hạnh phúc cũng học hỏi theo. Thấy vợ vui, mãn nguyện, chồng chị Dung lại càng có thêm động lực phụ giúp vợ nhiều hơn.

Vợ chồng anh Trọng Thức và chị Yến Ngọc ở quận Bình Thủy đều đi làm. Chị Ngọc phải trực cơ quan ngày thứ bảy nên anh Thức lãnh nhiệm vụ giữ con trai nhỏ 5 tuổi và đưa đón con gái lớn 10 tuổi đi học ngoại ngữ, có khi buổi trưa anh còn nấu cơm đem đến chỗ làm cho chị Ngọc. Chủ nhật, cả nhà đi chơi, rồi ghé siêu thị mua rau củ, thịt cá về sơ chế, cùng nhau nấu ăn, sau đó phân công người chơi với con, người dọn dẹp nhà cửa. Những ngày khác, nếu thấy vợ bận bịu công việc, anh Thức sẵn sàng lau nhà, giặt ủi quần áo… Anh Thức chia sẻ: "Khi đã chung sống dưới một mái nhà thì cả vợ, chồng đều phải có trách nhiệm vun vén gia đình, ai rảnh thì làm nhiều hơn. Tôi làm việc nhà cũng để làm gương cho con, hướng dẫn con những việc phù hợp, vừa sức để phụ mẹ những khi ba đi công tác". Có chồng đảm nên chị Ngọc rất yên tâm, có điều kiện học thêm, tham gia các lớp tập huấn, thỉnh thoảng đi chơi với hội bạn thân vài ngày cũng không lo lắng chuyện con cái, nhà cửa.

Do má ruột chị Kim Cúc (Ninh Kiều) phải về quê, không phụ chăm cháu được, trong khi hai con trai sinh đôi còn nhỏ, người giữ trẻ chỉ giữ em bé chứ không lo phần ăn uống nên buổi sáng, vợ chồng chị khá bận rộn nấu thức ăn cho con. Buổi sáng, anh chị thức sớm nấu cháo, chuẩn bị đồ đạc để khi con dậy cho ăn sáng xong, mỗi người chở một bé đi gởi, sau đó đến cơ quan. Buổi chiều, hai vợ chồng lại chia nhau chăm sóc con, nấu ăn, giặt giũ… Thấy vợ quá cực, chồng chị Cúc bỏ luôn thói quen uống cà phê, lai rai buổi tối với bạn, ở nhà với con, đêm còn lãnh phần pha sữa, dành thời gian cho vợ ngủ lấy sức. Chị Cúc kể: "Nuôi con sinh đôi vất vả lắm nhưng được chồng chia sẻ, quan tâm nên tôi bớt áp lực. Trong lúc làm chuyện nhà, vợ chồng tôi tâm sự nhiều vấn đề, hiểu nhau hơn. Nhiều khi chỉ cần nhìn mấy cha con chơi với nhau thôi, tôi đã thấy vui, quên hết mệt nhọc".

Bên cạnh những ông chồng thấu hiểu, biết chia sẻ với vợ, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các ông chồng cho rằng việc nhà là của phụ nữ, phó mặc vợ cáng đáng. Nhiều người sau giờ làm bù khú với bạn bè mặc cho vợ tất bật đưa rước con, dọn dẹp, xoay vần với bao công việc không tên. Cũng có người về nhà nhưng không phụ giúp, để nhà cửa bộn bề, nằm dài xem ti vi hoặc lướt điện thoại, chờ vợ cơm bưng nước rót. Sống trong cảnh này, không ít phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, lâu dần phát sinh mâu thuẫn. Nếu không được giải tỏa sẽ trở thành những cuộc cãi vã, tình cảm vợ chồng dần rạn nứt. Chị Tuyết Hường ở quận Ninh Kiều nêu quan điểm: "Hôn nhân muốn hạnh phúc và lâu dài, cần dựa trên sự đồng lòng, gánh vác trách nhiệm không chỉ ở những chuyện lớn mà còn thể hiện trong phụ giúp nhau công việc nhà hằng ngày. Người vợ không nên quá ôm đồm vì làm việc quá sức thời gian dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe, chưa kể còn khiến chồng con ỉ lại. Khi cần hỗ trợ, hãy mạnh dạn lên tiếng để chồng thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, gắn kết thêm tình cảm gia đình".

Trong cuộc sống hiện nay, phụ nữ gặp nhiều áp lực, nhất là các chị làm việc công sở. Nếu được chồng thông cảm, phụ gánh vác việc nhà, người vợ sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều. Còn nếu như chồng chưa tự giác thì tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình, nên có sự thống nhất sắp xếp việc nhà sao cho hợp lý giữa các thành viên, để ai cũng có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Nếu như trong trường hợp chồng bận công việc, hay vì lý do sức khỏe không thể giúp được thì vợ cũng không nên cằn nhằn, trách móc mà chọn giải pháp khác như thuê giúp việc theo giờ…, miễn sao vợ chồng đồng thuận, vui vẻ, cùng giảm tải gánh nặng cho nhau.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết