18/09/2010 - 08:28

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Khi nước lũ về muộn !

Thông lệ hằng năm, khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch là nước lũ về trắng xóa các cánh đồng khu vực ĐBSCL nhất là ở vùng thượng nguồn sông Cửu Long thuộc tỉnh An Giang. Năm nay, đến thời điểm hiện nay, lũ về muộn và yếu nhiều hơn các năm trước, khiến nhiều người dân ĐBSCL thấp thỏm, lo âu cho việc làm ăn...

Thu nhập nhờ lúa chét

 Làng lưới Thơm Rơm thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: T. TÂM

Tại cánh đồng xã Lương Phi, anh Nguyễn Văn Dã, ấp An Lương (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) vừa thu hoạch xong phần gần 10 công tầm cắt lúa chét (lúa đã thu hoạch xong, phần thân tiếp tục tẻ nhánh, làm đòng), cho biết: “Vì lúa hè thu tôi trồng lúa giống, gieo lúa cấy hàng đều, bụi tốt nên lúa chét phát triển. Tôi chỉ bón thêm một cử phân, ra công giữ là thu hoạch về 40 giạ lúa (khoảng 20kg/giạ)”. Nếu tính với giá 5.300 đồng/kg như hiện nay, phần lúa chét trên đã giúp gia đình anh Phi có thêm khoảng trên 5 triệu đồng. Đây là phần thu hoạch lúa chét thuộc diện cao nhất của gia đình anh từ trước đến nay. Anh Chau Uol, ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, chuyên đi mót lúa, nói: “Lúa chét năm nay trúng lắm. Mọi năm, giờ này nước lên, hai vợ chồng chỉ có lên ruộng trên đi cắt cỏ bán cho người ta nuôi bò. Năm nay, nhờ cắt lúa chét nên kiếm tiền nhiều hơn. Mỗi ngày, hai vợ chồng tui cắt đập rồi giê sạch được khoảng 1 giạ rưỡi”.

Trên khắp cánh đồng khu vực xã Lương Phi, An Tức, nhiều chủ đất đã dùng bẹo cắm báo hiệu phần diện tích lúa chét có chăm sóc và cất chòi canh giữ đất. Anh Nguyễn Văn Kim Khỏe nhà ở xã Lương Phi, dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa chét (80 công) ở khu vực ven kênh Lò Gạch, ấp Ninh Thạnh, xã An Tức. Nhìn lúa đang trổ đều, anh tâm sự: “Thời điểm này mọi năm, nước đã mấp mé chân ruộng, mình cho máy cày vào trục phần đất này rồi. Năm nay, nước không vô nên lúa chét phát triển mạnh quá. Thấy nhiều hộ thu hoạch cả 5- 6 giạ/công. Với lại, lúa hè thu năm nay khu vực này làm sớm nên giá lúa bán rất thấp chỉ trên 3.000 đồng/kg, giá lúa cuối vụ hè thu hiện giờ lên đến trên 5.000 đồng/kg. Thấy vậy, mình bỏ chút ít tiền phân, bón dặm, kiếm thêm thu nhập, gỡ gạc. Đến nay, phần lớn diện tích lúa chét đã trổ bông, vài ngày nữa bắt đầu thu hoạch lai rai”.

Mùa nước năm nay lên chậm hơn cùng kỳ khiến các cánh đồng sản xuất lúa vụ hè thu ven kênh Tám Ngàn đến nay nước vẫn chưa tráng nền ruộng. Bên cạnh, việc lúa hè thu được thu hoạch sớm thì việc mưa đến muộn và không dày cũng giúp lúa chét có cơ hội phát triển tốt, tẻ nhánh, làm đòng trở lại. Hiện, dọc cánh đồng kênh nhánh xả phèn khu vực ven kênh Lò Gạch, kênh Xã, các kênh nhánh xả phèn thuộc huyện Tri Tôn có khoảng chục hộ đã cấm bẹo, bón phân phần lúa chét chuẩn bị thu hoạch.

Thấp thỏm làng nghề

Như hàng năm vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch, nhiều làng nghề ở khu vực ĐBSCL “ăn theo” con nước lũ bắt đầu sản xuất nhộn nhịp.

Ông Lê Quý Hợp, làng lưới Thơm Rơm thuộc phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Lũ về là mùa sản xuất lớn nhất trong năm, cơ sở của tôi đang thuê hơn 10 thợ, sản xuất đủ các loại lưới phục vụ bắt cá trong mùa lũ, có đơn đặt hàng từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... Hiện tại, thợ nam mỗi ngày làm được 70.000-80.000 đồng/người, thợ nữ thì 50.000-60.000 đồng. Lúc đông ken, lũ chính vụ có thể kiếm được 80.000-100.000 đồng/người ngày”. Làng lưới Thơm Rơm hiện có 30 cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Tới mùa nước nổi, mỗi cơ sở thu hút 30-40 lao động. Ngoài ra, còn có hơn 100 hộ gia đình ở địa phương nhận hàng từ các cơ sở về làm gia công ăn theo sản phẩm. Làng nghề lưỡi câu Mương Thi, ở phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (An Giang) cũng đã tăng tốc làm hàng phục vụ cho cư dân mùa lũ. Làng nghề này vang danh khắp ĐBSCL mấy chục năm qua nhờ lưỡi câu có độ sắc bén, bền, hiệu quả và giá rẻ. Làng nghề có trên 180 hộ chuyên sản xuất lưỡi câu, theo hình thức cha truyền con nối. Bình quân mỗi hộ thuê thêm 3-5 lao động làm công; hoạt động gần như suốt năm nhưng chính vụ làm ăn là mùa lũ. Các làng nghề như: làng nghề làm lọp cua, lọp tép Mỹ Đức (xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang); làng nghề đóng xuồng ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang); làng nghề sản xuất lú, lờ, bẫy chuột... ở Đồng Tháp, cũng đang bước vào mùa làm ăn với nhiều hy vọng từ lũ.

Nhưng đến thời điểm này, lũ năm nay đến muộn và yếu hơn nhiều năm trước, làm cư dân làng nghề thấp thỏm, lo âu cho việc sản xuất, kinh doanh làng nghề của mình. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang, lũ năm nay về muộn. Hiện mực nước lũ tại các trạm đo đạc trên sông Tiền, sông Hậu lên chậm, từ 2-3cm/ngày và còn thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60-100cm. Dự báo, mùa lũ năm 2010 không lớn, xấp xỉ mức trung bình các năm trước; đỉnh lũ sẽ đạt vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, dao động ở mức 4,2-4,3m... Do nước lũ về muộn, nên sản phẩm của các làng nghề sản xuất ra tiêu thụ rất ít, nhiều làng nghề lượng tiêu thụ giảm khoảng 80%, đời sống người dân khó khăn. Ông Trần Văn Vinh chất đầy lọp cua trong nhà nhưng không bán được, than thở. “Mọi năm, thương lái ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ..., thậm chí là Campuchia nườm nượp kéo đến mua lọp cua, làm không kịp tay. Còn năm nay, nhiều người đã đặt hàng trước mấy tháng vẫn không đến lấy”...

* * *

Nước lũ về chậm, cư dân ĐBSCL không khỏi lo lắng bởi lũ mang theo tôm, cá dồi dào và phù sa bồi đắp cho ruộng vườn. Đây là nguồn sống chính của cư dân vùng lũ ĐBSCL.

H.ANH - T.TÂM

Chia sẻ bài viết