26/02/2008 - 21:41

Khi nông dân giàu lên...

Nông dân Thốt Nốt bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân 2007 -2008. Ảnh: VĂN CÔNG

Vụ lúa đông xuân 2007-2008, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gieo sạ được khoảng 1,6 triệu ha. Trong đó, nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang đã thu hoạch hơn 140.000 ha với năng suất bình quân 6,5 tấn/ha; phần diện tích còn lại sẽ được thu hoạch rộ vào đầu tháng 3-2008. Những ngày vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin về giá lúa, gạo đang ở mức cao và tình hình rầy nâu xuất hiện, gây hại cho lúa đông xuân. ĐBSCL hiện có 120.000 ha lúa đông xuân bị các loại sâu bệnh tấn công; trong đó một số địa phương thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Tiền Giang xuất hiện tình trạng nhiễm rầy nâu với mật số cao, gây ra tình trạng cháy rầy cục bộ và bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

Cuối tuần qua (ngày 23-2-2008), giá lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu được sản xuất tại ĐBSCL đã lên đến 4.000-4.200 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Nhiều người cho rằng với giá lúa như hiện nay, cuộc sống của bà con nông dân ĐBSCL sẽ khá hơn. Riêng nhiều hộ trực tiếp sản xuất lúa và các nhà khoa học ở ĐBSCL lại cho rằng: Trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay, thì đời sống của đại bộ phận nông dân ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, dù giá lúa có lên đến 5.000 đồng/kg.

Lão nông Đỗ Quang Trinh (Hai Trinh) ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết nông dân đã đầu tư rất lớn cho vụ lúa đông xuân 2007-2008. Trong đó, giá xăng dầu, phân bón đều tăng 20-30% so với vụ đông xuân trước; các khoản tiền thuê nhân công đắp đê bơm rút nước ra khi xuống giống, công phun xịt thuốc và chăm sóc lúa đều tăng mạnh so với trước. Ông Hai Trinh nói: “Dù nông dân chúng tôi đã phải tăng chi phí đầu tư nhưng nhiều thửa ruộng ở đây đã bị rầy nâu tấn công. Do đó, lợi nhuận từ vụ sản xuất chính năm nay sẽ không cao”.

Ông Hồ Văn Lợi và nhiều nông dân ở ấp An Bình, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cũng tỏ ra lo ngại khi giá nhiều loại vật tư nông nghiệp, xăng dầu, tiền thuê mướn nhân công thu hoạch lúa tăng mạnh. Ông Hồ Văn Lợi so sánh: “Trước đây, dù nông dân phải đóng thuế nông nghiệp với định mức 200 kg lúa/ha/năm nhưng cuộc sống vẫn dễ chịu hơn, vì giá vật tư nông nghiệp khi ấy còn thấp. Giờ đây, được miễn thuế nông nghiệp nhưng phải mua vật tư nông nghiệp với giá rất cao, nên tổng mức lợi nhuận không tăng thêm bao nhiêu. Trong khi đó, nhiều loại hàng hóa đã đồng loạt tăng giá từ năm 2007”.

Theo phân tích của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trung bình mỗi nông hộ ở ĐBSCL có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có 0,7 ha đất sản xuất lúa với năng suất trung bình 10 tấn/ha/năm (2 vụ lúa). Do đó, sau khi trừ đi chi phí sản xuất (chiếm 50% tổng thu nhập), phần lúa còn lại (3,5 tấn lúa ) bán với giá 5.000 đồng/kg, thì mỗi hộ đạt mức lợi nhuận 17,5 triệu đồng/năm, tương đương với mức thu nhập bình quân chưa đến 300.000 đồng/người/tháng. Do đó, đời sống nông dân ĐBSCL vẫn chưa được nâng lên. Cũng theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, do thu nhập trong sản xuất nông nghiệp chưa cao và không ổn định, một bộ phận lao động trẻ ở vùng nông thôn chuyển về các khu công nghiệp tìm việc làm dù lực lượng này có trình độ văn hóa thấp và chưa được đào tạo nghề. Quá trình chuyển dịch lao động nói trên làm cho khu vực sản xuất nông nghiệp thiếu lao động trẻ khi vào vụ thu hoạch rộ.

Từ thực trạng trên, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh kiến nghị: Trung ương và các tỉnh, thành phố cần tăng mức đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn để rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, chương trình sản xuất cây con giống... Khi nông dân (chiếm hơn 70% dân số cả nước) giàu lên thì nhu cầu mua sắm sẽ tăng, tạo động lực thúc đẩy các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ phát triển nhanh hơn.

• Nhật Chánh

• Nhật Chánh

Chia sẻ bài viết