21/06/2023 - 15:26

Khi nhà báo cũng là nhà văn 

ÐĂNG HUỲNH

Trong làng báo hiện nay, có không ít nhà báo đồng thời là những nhà văn nổi tiếng, có nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, cùng điểm qua những gương mặt tài hoa ấy.

Nhà văn, nhà báo Bùi Tiểu Quyên. Ảnh: vanchuongthanhphohochiminh.vn

Hiện nay, có rất nhiều nhà báo viết văn, nhà văn làm báo giàu kinh nghiệm, uy tín, tạo được “thương hiệu” như Lê Minh Quốc, Dương Thành Truyền, Nguyễn Khắc Cường... Cùng thế hệ này, một điển hình phải kể đến là nhà báo, nhà văn Lại Văn Long. Nhiều năm làm báo, ghi dấu với nhiều tác phẩm báo chí giá trị, ông còn được biết đến là một nhà văn tên tuổi. Tiêu biểu là tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” được ông ấp ủ trong 30 năm và 5 năm lao động miệt mài, với 2.400 trang - được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam”. Từ tiểu thuyết này, Báo Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với hãng phim để quay sê-ri phim hình sự “Hồ sơ lửa” dài đến 1.100 tập và nhà văn, nhà báo Lại Văn Long được phân công viết kịch bản.

Ở thế hệ trẻ hơn, nhà văn Bùi Tiểu Quyên sinh năm 1985, hiện công tác tại Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh. Có tác phẩm ra mắt từ khá sớm, đến nay, chị sở hữu hàng chục tác phẩm nổi bật. Văn của Bùi Tiểu Quyên lãng mạn, giàu nữ tính và phản ánh cuộc sống dưới góc nhìn đầy năng lượng tích cực. Ðặc biệt, chị vừa ra mắt bộ sách tranh song ngữ dành cho thiếu nhi với tựa đề “Trường Sa! Biển ấy là của mình” với 2 tập “Phong ba nơi đầu sóng” và “Biển ấy là của mình”, được độc giả và đồng nghiệp yêu thích. Trước đó, tác phẩm văn học thiếu nhi “Cà Nóng chu du Trường Sa” của chị được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5, năm 2022, và nhiều giải thưởng vinh dự khác. “Cà Nóng chu du Trường Sa” và “Trường Sa! Biển ấy là của mình” được Bùi Tiểu Quyên viết từ những trải nghiệm sau chuyến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc vào năm 2019.

“Xin chào ngày nắng đẹp” là tác phẩm mới của nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn, hiện đang công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, ra mắt trong những ngày tháng 6 ý nghĩa của người làm báo. Tác phẩm gồm 36 tản văn, chia làm 3 phần: “Ngày nắng đẹp”, “Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương” và “Một trời thương nhớ”. Trước đó, anh đã hơn chục tác phẩm văn học, viết cho người lớn và viết cho thiếu nhi, được yêu thích. Hồ Huy Sơn nổi bật ở lĩnh vực thơ thiếu nhi và các bài tản văn mang nhiều tính tự sự. Thơ Hồ Huy Sơn nhẹ nhàng, nhiều tình cảm và dễ tạo đồng cảm với người đọc.

Nhà báo, nhà văn Trung Nghĩa là cây bút tên tuổi ở thể loại du ký qua nhiều cuốn sách đã ấn hành. Ðộc giả Báo Tuổi Trẻ ấn tượng ở anh với những bài báo viết về các kỳ World Cup, sống động và hấp dẫn. Ðiều này được anh miêu tả trong cuốn sách “Ðường đến thánh đường World Cup”. Gần đây, tác phẩm “Từ Bàn Môn Ðiếm đến Chernobyl” của nhà báo Trung Nghĩa cũng tạo tiếng vang. Ðó là hành trình chu du và kể lại những nơi đi qua khắp các châu lục Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Ðại Dương, trong đó có nhiều điểm nóng như một phóng viên chiến trường thực thụ.

Các nhà văn, nhà báo này có nhiều đóng góp cho cả lĩnh vực báo chí lẫn văn chương. Ðiều thú vị là họ đang phụ trách lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong các tòa soạn báo hoặc làm nhiệm vụ biên tập ở các nhà xuất bản. Nhờ đó, những ngòi bút tài hoa này có thể phát huy sở trường của mình.

Chia sẻ bài viết