02/03/2019 - 17:46

Khi con trẻ muốn làm “đại ca” 

Là con gái nhưng bé Ngọc (học lớp 3 ở quận Ninh Kiều) tính tình nghịch ngợm, thích bày trò chọc phá bạn, đánh nhau. Ngày nào rước con, chị Lê - mẹ bé Ngọc, cũng bị một số bạn học chung lớp méc Ngọc làm hư dụng cụ học tập, giật tóc, xô té, xúi mấy bạn khác nghỉ chơi… Còn cô giáo thì vài ngày lại mời phụ huynh trao đổi. 

Người lớn cần hướng dẫn trẻ xây dựng mối quan hệ tốt, vui chơi thân thiện, hòa đồng với bạn bè.

Trước đây, khi học mầm non, Ngọc đã nổi tiếng trong trường vì hay ăn hiếp bạn, không biết sợ cô giáo. Nghĩ con còn nhỏ, mặt khác thấy bé lanh lợi, cho rằng con thông minh, hiểu biết trước tuổi nên mẹ Ngọc cho đó cũng là ưu điểm, nghịch chút cũng không sao, lớn lên sẽ tự sửa đổi tính nết. Nào dè, khi vào tiểu học, Ngọc có vẻ hung dữ hơn, tự xưng là “đại ca, đầu gấu” và tuyên bố ai đụng vào sẽ biết tay. Tuần rồi, giờ ra chơi, có bạn nam trong lớp ngồi hát, Ngọc kêu im nhưng bạn này không nghe, hát lớn hơn, Ngọc đã đấm vào mặt, làm bạn chảy máu mũi. Mẹ Ngọc phải xin lỗi phụ huynh, giải quyết hậu quả do con gây ra. Chị Lê chia sẻ: “Con hư một phần lỗi do tôi đã chủ quan không uốn nắn từ nhỏ, giờ mới thấy tai hại. Tôi đã trình bày với cô giáo, nhờ phối hợp dạy con vào nền nếp”.

Trước đây, con trai chị Dung Huỳnh (quận Bình Thủy, hiện đang học lớp 6) cũng thuộc hàng… siêu quậy. Do là cháu đích tôn, gia đình quá cưng chiều nên cháu đòi gì được nấy, hỗn hào với người lớn, không vừa ý là đập đồ đạc. Phụ huynh trong xóm e dè, ít cho con chơi chung vì cháu hay giành đồ chơi, xúi bạn đánh nhau. Đi học, con chị Huỳnh thường ăn hiếp bạn nên một số phụ huynh không cho con học cùng, chuyển lớp. Chị Huỳnh kể: “Thấy không ổn, tôi bàn với ông bà nội có biện pháp dạy con. Nếu dung túng tính khí hung hăng, cháu sẽ quen với cách cư xử bạo lực, không hay”. Ngoài việc thường xuyên kể chuyện, giải thích cho con hiểu, mỗi khi thấy con có ý định gây chuyện với ai, chị Huỳnh can thiệp ngay, nếu làm sai phải xin lỗi. Từ việc hay ăn hiếp người khác, con chị Huỳnh biết cảm thấy mắc cỡ khi bản thân hung dữ, ít bạn chơi chung. Dần dà cháu đã đổi tính, biết nhường nhịn hơn.

Thực tế một số phụ huynh thấy con chơi hơn người khác thì cho rằng con khôn nên không kịp thời dạy dỗ, khiến trẻ ngộ nhận, sinh tâm lý ích kỷ, háo thắng, thích tranh giành chỉ để được lợi cho mình. Trẻ còn nhỏ chưa ý thức được hành vi, tiết chế cảm xúc nên rất cần người lớn định hướng trong cư xử hằng ngày. Hãy dạy con cách duy trì các mối quan hệ với mọi người xung quanh trên cơ sở tôn trọng, thân thiện, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau. Đừng chủ quan, cho qua bản tính “đại ca” của con vì hành động nhỏ, sai mà không sửa có thể gây họa sau này. 

 Bài, ảnh: KIỀU CHINH

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
con trẻ