 |
Thu hoạch cá tra giống ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. |
Thời gian gần đây, vấn đề nuôi cá tra bền vững ở ĐBSCL là chuyện thời sự. Tuy nhiên, câu chuyện chỉ xoay quanh các vấn đề như: sự tác động môi trường, biến động giá cá nguyên liệu, những rào cản kỹ thuật trên thị trường xuất khẩu,... Nhưng ít ai chú ý đến chuyện con cá tra đang phát triển không bền vững còn do chất lượng cá tra giống đang bị thả nổi!
Ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Thủy sản Cần Thơ (CAFA), đặt vấn đề: Chúng ta có Viện lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam chuyên nghiên cứu những giống lúa, giống cây trồng năng suất, chất lượng cao giúp người nông dân gia tăng hiệu quả sản xuất. Còn con cá tra thì gần như người nuôi phải tự lo liệu, tự bơi. Chính vì thiếu sự quan tâm này, dẫn đến chất lượng con giống bị thả nổi.
Ông Lộc phân tích, hiện nay phần lớn việc sản xuất và cung ứng giống cá tra nguyên liệu do những người mua bán, kinh doanh cá giống đảm trách. Khi nhu cầu thị trường không cao, giá cá giống giảm, thì đàn cá tra bố mẹ cũng bị... giảm khẩu phần ăn để hạn chế sinh sản. Đến khi nhu cầu thị trường cao, giá giống tăng cao thì người sản xuất xử lý kích thích cá bố mẹ sinh sản, kể cả khi đàn cá bố mẹ đang bị bệnh hoặc chưa đến tuổi thành thục. Hệ quả của việc làm này là tỷ lệ hao hụt khi nuôi ngày càng tăng. Khi đó, người nuôi cá phải “lãnh đủ”!
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Xuất khẩu Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, tiết lộ: “Từ năm 2000 trở lại đây, tình hình cá tra thả nuôi bị chết diễn biến hết sức phức tạp, nhất là cá trong giai đoạn 2-3 tháng tuổi. Có lúc tỷ lệ cá chết lên đến 50%. Ngoài tác động của môi trường nuôi ngày càng xấu đi, thì chất lượng giống là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hao hụt cá ngày càng gia tăng”. Theo ông Hải, chính sự suy thoái nội tại mới dẫn đến tình trạng cá tra dễ bị sốc trước biến đổi của môi trường, cá dễ bị nhiễm bệnh và không còn khả năng điều trị. Vấn đề này, ông Dương Tấn Lộc cho biết thêm, hiện nay, tình trạng cá mắc bệnh chết khi đạt trọng lượng 700-800 gam/con cũng đang diễn ra khá phổ biến. Theo ông Lộc, khi phát hiện cá chết rải rác, chắc chắn người nuôi cá sẽ tăng cường thuốc điều trị thủy sản, bón thúc thức ăn để “cứu vãn tình thế”. Điều này, vô tình gây nên tình trạng “đã sai, càng sửa, càng sai”. Hậu quả là, giá thành nuôi cá ngày càng tăng, khả năng đầu tư của người nuôi lại bị hạn chế... người nuôi cá tra dễ bị lỗ vốn dẫn đến phá sản!
Việc thả nổi chất lượng con cá tra giống trong thời gian qua đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL và cả nước. Theo ý kiến các nhà chuyên môn, muốn khắc phục được tình trạng này, ngay từ bây giờ ngành hữu quan cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ chất lượng đàn cá bố mẹ và đàn cá giống ngay tận các cơ sở sản xuất, cơ sở ươm, nuôi..., trước khi cá giống được bày bán ra thị trường; nghiêm cấm và xử phạt nặng những hành vi sử dụng thuốc kích dục hay hóa chất kháng sinh bị cấm, lượng thuốc vượt mức cho phép. Song song đó, ngành thủy sản cần nghiên cứu để bảo tồn đàn cá bố mẹ khỏe, sạch bệnh để cung cấp cho các trại giống v.v...
Kiểm soát được chất lượng cá tra giống, chất lượng đàn cá tra bố mẹ cũng là một trong những giải pháp hướng nghề nuôi cá tra phát triển ổn định và bền vững.
Bài, ảnh: HÀ TRIỀU