27/10/2009 - 20:47

Khát vọng của chàng trai tật nguyền

Võ Thanh Tùng nâng niu những thành tích thể thao mình đạt được. Ảnh: THU HẰNG. 

Kỷ lục nối tiếp kỷ lục: từ năm 2005 đến nay, Võ Thanh Tùng (quê ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đoạt 13 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và nhiều huy chương, giải đồng đội khác tầm quốc gia. Không những thế thành tích đó còn vươn ra đấu trường quốc tế: Tại Paragame năm 2009, Tùng đạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh của người thanh niên khuyết tật ấy là ý chí phấn đấu và nghị lực vươn lên trong cuộc sống...

* Nghị lực của chàng vận động viên khuyết tật

Sinh ra như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng quái ác thay, năm lên 2 tuổi Tùng bị cơn sốt kéo dài. Gia đình đã nhiều lần chạy chữa nhưng vẫn không khỏi, đôi chân của Tùng cứ thế ngày teo tóp dần... Kể từ đó, Tùng phải lê đôi tay trên nền gạch để di chuyển trong nhà. Không cam chịu bất hạnh, từ nhỏ Tùng đã gắng tạo cho mình độc lập trong mọi việc từ những việc nhỏ nhặt nhất. Với ý nghĩ đó, Tùng bắt đầu tập đi, dù là khó khăn nhưng Tùng không bỏ cuộc. Mỗi bước đi khi ấy đẫm bao giọt nước mắt của Tùng và gia đình. Khoảng 5-6 năm sau Tùng đã đi được. Có lẽ hình ảnh nhớ nhất trong cuộc đời là lúc Tùng bỏ chiếc tó, lê từng bước đi, còn cha mẹ Tùng lúc ấy nước mắt rơi ướt gương mặt. Nhắc đến đây ông Võ Thanh Quang (55 tuổi- cha Tùng) xúc động nói: “Vợ chồng tui cứ thay phiên nhau tập cho Tùng đi. Lúc đầu tui đóng 2 cây ngang để cho Tùng vịn vào nhấc từng bước một, thấy Tùng té, là lòng tui lại quặn đau. Dần dần Tùng đi chập chững được vài bước, tui đóng 2 cái tó cho Tùng tự di chuyển, từ từ cháu bỏ không đi tó nữa. Tui mừng đến nỗi xuống tóc van vái cho Tùng có thể tự đi đứng lo thân, nếu sau này cha mẹ qua đời cũng không phải khổ sở”. Chưa đầy 10 tuổi đầu, Tùng đã biết phụ giúp cha mẹ đi cắm câu, hái bông súng về lo bữa cơm gia đình. Tùng tâm sự: “Để đi đứng được cần có ý chí cao. Em luôn tự nhủ còn may mắn hơn những bạn bè cùng bị bệnh như em, nên phải cố gắng”.

Gia đình Tùng làm nghề rèn cha truyền con nối, thế nên dù đi đứng khó khăn nhưng từ nhỏ Tùng vẫn luôn phụ giúp cha công việc nặng nhọc. Một buổi đến trường, một buổi Tùng giúp cha. Hình ảnh người cha mồ hôi nhễ nhại bên lò than rực lửa luôn đọng trong tâm trí Tùng, giúp Tùng vượt qua mọi khó khăn thử thách ở những chặng đường tiếp theo. Có những lúc khách đặt hàng nhiều, hai cha con lao động vất vả làm đến tối mịt lả cả người nhưng Tùng vẫn không hề than vãn, lại tiếp tục tranh thủ học bài đến gần sáng.

Nghiêng người khó nhọc, chân thấp chân cao đi đến trường nhưng suốt các năm học tiểu học rồi trung học, Tùng đến lớp không vắng ngày nào. Năm Tùng học lớp 8, do công việc làm ăn thất bát, cha mẹ Tùng phải chèo chống trên ghe đi làm thuê khắp nơi. Có khi cả nhà dựng tạm lều trên bờ đất ở vài tháng, rồi lại chèo chống đi nơi khác! Tùng phải tạm gác chuyện học. Nhiều lần, thấy các bạn đi học, Tùng lén nhìn thèm thuồng nhưng không dám để cho cha mẹ biết. May thay, có thầy hiệu trưởng của một trường học gần đó đến rèn dao, biết được câu chuyện của Tùng, thầy kêu mẹ Tùng đem hồ sơ đến trường làm thủ tục nhập học và miễn cho em tiền trường. Nhờ vậy, Tùng được tiếp tục việc đèn sách. Học xong lớp 12, Tùng học trung cấp điện tử. Và sau khi tốt nghiệp đã kiếm được công việc thích hợp. Hàng ngày Tùng đạp xe cọc cạch khoảng 10 cây số để đi làm với thu nhập chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Khi được bạn bè giới thiệu, Tùng chuyển sang làm ở cơ sở Nhịp Cầu-Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ. Với tinh thần không ngại khó, ban đêm Tùng tranh thủ đi học lớp kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại di động. Rồi lại khăn gói lên tận TP Hồ Chí Minh học thêm lớp chuyên viên kỹ thuật. Sau khi đi học về Tùng làm nhân viên bảo hành cho Công ty Thương mại - Dịch vụ Thế giới di động ở đường Hùng Vương, TP Cần Thơ.

Ngoài giờ đi làm, vào mỗi buổi chiều Tùng đến hồ bơi Quân khu 9 để dạy bơi cho các em thiếu nhi, tận tình hướng dẫn các kỹ thuật bơi để các em phát huy năng khiếu của mình. Tùng có cơ bắp vạm vỡ, rắn khỏe, khi xuống nước từng động tác bơi thuần thục. Đó là kết quả của những tháng ngày Tùng tự rèn luyện cho mình. Tùng cho biết: “Khi bơi cánh tay chịu lực nhiều. Đó là lợi thế của Tùng, một phần nhờ gia đình có nghề lò rèn truyền thống nên Tùng mới có sức để rèn luyện môn bơi lội”.

* Vươn ra đấu trường Quốc tế

Ở vùng quê An Giang, mỗi năm mùa nước nổi kéo dài khoảng 3 tháng, trẻ con ở đây biết bơi từ tấm bé. Hồi đó, cứ mỗi chiều, nhìn thấy những đứa trẻ trong xóm rủ nhau đi tắm sông, Tùng lại co mình vào góc nhà. Thấy con như vậy, ông Quang không cầm lòng được. Một lần tắm sông, ông Quang đã dắt Tùng theo và ông đã tập cho Tùng bơi từng động tác một. Lần đầu tiên tập bơi, Tùng uống nước căng cả bụng nhưng vẫn không sợ. Một thời gian ngắn, Tùng không chỉ biết bơi mà còn bơi rất giỏi. Nhưng với những gì Tùng đang gánh chịu, cha mẹ Tùng cũng không yên tâm để con đi bơi một mình. Cha Tùng lúc ấy thường hay theo giám sát con. Tùng vốn dĩ rất thích bơi. Tùng kể: “Hồi trước em hiếu động lắm! Có những buổi trưa em và trẻ con trong xóm trốn nhà đi tắm sông. Ở nhà đi kiếm được, về em bị ăn đòn”.

Từ một cậu bé thu mình trong góc nhà với những bước đi khập khiễng, thế nhưng với mọi nỗ lực của mình, Tùng đã vươn ra đấu trường quốc tế. Cơ hội đến với Tùng và mở ra trang đời mới, đó là vào năm 2005, Tùng được mời tham gia thi đấu cho phong trào thể thao Người khuyết tật TP Cần Thơ. Điều đáng trân trọng, mỗi lần thi đấu Tùng đều đem về nhiều giải thưởng và dần dần Tùng được chọn vào đội tuyển thi đấu quốc tế. Tại kỳ Paragame năm 2009 vừa qua, Tùng đã 2 lần phá kỷ lục Đông Nam Á về thành tích bơi tự do ở cự ly 50m và 100m. Tùng tâm sự: “Khi vào vị trí thi đấu em luôn tự tin và thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Lúc nhận được Huy chương Vàng em mừng lắm! Và đã rơi nước mắt khi bài Quốc ca của nước mình vang lên”. Chia sẻ những cảm xúc về thành tích thi đấu của Tùng, ông Quang cho biết: “Những ngày Tùng đi thi đấu ở Malaysia, vợ chồng tui lúc nào cũng trông con điện thoại về. Hôm Tùng nói đạt được Huy chương Vàng vợ chồng mừng đến không ngủ được. Tui biết Tùng cố gắng luyện tập rất nhiều để có được thành tích như vậy và kết quả nó nhận được đã thể hiện quyết tâm như Bác Hồ đã dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...”.

Mỗi khi được gọi vào đội tuyển đi thi đấu, Tùng tập luyện cần mẫn và chăm chỉ. Có những hôm trời mưa tầm tã nhưng Tùng vẫn trầm mình dưới nước, luyện từng động tác một. Công việc hiện tại dường như đã chiếm hết thời gian của Tùng nhưng với lòng say mê bơi lội, Tùng biết tranh thủ sắp xếp thời gian hợp lý để luyện tập. Tùng cho biết: “Tụi em chỉ rèn những động tác kỹ thuật trong thi đấu thôi, còn năng khiếu về bơi đã có bẩm sinh”. Hạnh phúc của Tùng là được tham gia thi đấu môn thể thao yêu thích và những tấm huy chương như nghị lực sống của Tùng. Dù rằng mỗi lần tham gia thi đấu ở các giải quốc gia và Đông Nam Á, thế nào Tùng cũng bị mất việc, do đi thi đấu nhiều ngày phải nghỉ việc, đến khi đi về thì đã có người thế vào công việc của Tùng. Những lúc như thế, Tùng lại đôn đáo khắp nơi tìm công việc mới. Tùng tâm sự: “Mỗi lần đi tham dự giải ít nhất phải từ 2-3 tháng mới quay về, nhiều lần bị chủ nhắc nhở vì ảnh hưởng đến công việc chung nên em phải nghỉ làm, dồn sức cho tập luyện và thi đấu”. Do phải lựa chọn thi đấu thể thao nên khi mất việc, phải đi lãnh máy điện thoại về nhà để sửa chữa kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hiện nay, sau khi đi dự Paragame trở về, Tùng chưa tìm được việc làm mới.

Ông Tô Ngọc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao TP Cần Thơ, nhận xét: “Võ Thanh Tùng tính tình hiền lành, nhanh nhẹn, thi đấu với tinh thần quyết tâm cao. Kỳ Paragame vừa rồi, Tùng đóng góp rất nhiều cho nền thể thao nước nhà nói chung và TP Cần Thơ nói riêng”.

Chia tay Võ Thanh Tùng, hình ảnh vẫn còn đọng lại trong chúng tôi là những giọt mồ hôi lăn trên má khi anh đang truyền đạt các kỹ thuật bơi cho học trò của mình. Niềm đam mê thể thao đã giúp anh “bơi” qua cuộc đời bằng đôi chân khuyết tật của mình và chính anh đã tiếp thêm sức mạnh cho các bạn trẻ, trong đó có những người khuyết tật ý chí mạnh mẽ để chiến đấu và chiến thắng.

Ký l Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết