06/07/2009 - 20:14

Các nhà máy chế biến thủy sản

"Khát" nhân công

Công nhân chế biến thủy sản tại một NMCBTS xuất khẩu ở Cà Mau.
Ảnh LHV

Đón tôm sú sắp vào mùa, từ mấy tuần qua các nhà máy chế biến thủy sản (NMCBTS) ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thông báo rao tuyển công nhân (CN). Thế nhưng, số CN tìm tới nhà máy làm việc rất ít.

Chỉ vài tháng trước đây, dự báo theo sau ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, thị trường thủy sản xuất khẩu sẽ gặp khó khăn... và nhất là trong lúc hết mùa tôm sú, thiếu nguyên liệu, hàng chục ngàn CN tại các NMCBTS ở ĐBSCL bị cho nghỉ việc luân phiên, thậm chí có nhà máy (NM) tạm ngưng ký tiếp hợp đồng. Thế mà giờ đây, nhiều nhà máy thông báo thu tuyển lao động trở lại nhưng rất ít người lao động đến tìm việc, dù NM đưa ra nhiều điều kiện đãi ngộ hấp dẫn với người lao động. Cụ thể như Cty cổ phần CBTS xuất nhập khẩu Sao Ta (Sóc Trăng-Fimex VN) cách đây khoảng 3 tháng đã tạm cho nghỉ việc hơn 500 CN vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Hiện nay, Sao Ta cần tuyển đến 700 người, trong đó 500 CN CBTS và 200 CN CB nông sản. Tương tự, các Cty CBTS Kim Anh cần tuyển 300 CN, Cty Phương Nam tuyển 600 CN, Cty Stapimex tuyển 500 CN...

Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Cty Cafatex (Hậu Giang), nói: “Tại Cafatex thường xuyên có 2.500 CN làm việc. Nay do nhu cầu sản xuất, chúng tôi cần thêm 1.500 CN. Nhưng treo bảng thông báo mấy tuần qua, chỉ tuyển được lác đác vài trăm CN. Chúng tôi rất chú trọng mức đãi ngộ. Như hiện thời CN giỏi đang làm hưởng theo năng suất, có người thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng, ở mức thấp cũng được trên 1,6-1,8 triệu đồng/tháng. Mỗi CN đều được thực hiện đầy đủ chế độ chính sách theo luật lao động, vậy mà... vẫn khó tuyển”.

Ông Đỗ Ngọc Tài, Phó Tổng giám đốc Cty Kim Anh, cho biết công ty đã thông báo liên tục trên đài truyền hình từ một tháng qua để tuyển thêm CN nhằm sản xuất tôm đông lạnh kịp giao cho khách hàng Nhật, EU... song không mấy người nộp hồ sơ. Dù điều kiện tuyển dụng khá đơn giản: cần có sức khỏe tốt và biết đọc, biết viết. Thời gian qua, Cty Kim Anh luôn tìm mọi cách để giữ chân CN không bị mất việc bằng cách lấy lợi nhuận để bù lương cho CN chờ việc, đảm bảo có thu nhập trên 1 triệu đồng/CN/tháng. Đến nay, khi NM nhận đơn đặt hàng sản xuất mới khá nhiều, cần tuyển lao động phổ thông với mức lương từ 1,2 triệu đồng/CN/tháng trở lên. Song đến giờ Kim Anh chỉ mới nhận được 30 hồ sơ xin việc.

Vẫn trong lúc đang cần tìm CN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần CBTS Út Xi (Sóc Trăng), cho hay: “Nhà máy đang cần gần 500 CN, đặc biệt ưu tiên cho lao động nữ người dân tộc Khmer. Vậy mà cả tháng qua công ty chỉ tuyển được vài người”. Bà Trương Thị Loan, Phó Giám đốc Cty TNHH thủy sản Kiên Long (Kiên Giang), nơi đang cần tuyển 500 CN, kể chi tiết thêm các điều kiện Kiên Long ưu đãi để thu hút CN như: “Bên cạnh mức lương khởi điểm 1-1,2 triệu đồng/người/tháng, công ty còn khu tập thể thoáng mát, sạch sẽ cạnh các xưởng sản xuất và bao ăn ở miễn phí cho CN. Nhưng qua ba tháng chỉ tuyển được khoảng 30 người. Hiện thời công ty có thị trường tiêu thụ tốt nhưng chỉ vì thiếu CN nên chỉ hoạt động 50% công suất”.

Vùng ĐBSCL có hơn 18 triệu dân và được xem là nơi có nguồn lao động trẻ dồi dào. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, đến nay số lao động trong vùng chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chiếm trên 80% tổng số lao động toàn vùng. Trong khi đó, số lao động có trình độ CN kỹ thuật mới có khoảng 543.000 người, chiếm khoảng 21%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước 4%. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ rất thấp như Bến Tre 11,4%, Hậu Giang 13,1%, Kiên Giang 15,4%...

Như vậy, xét về mặt nhu cầu lao động phổ thông, nhất là lao động nữ cho các NMCBTS trong vùng, thời gian qua vì sao vẫn có sự dao động, hụt hẫng? Bộ phận nhân sự các NMCBTS thừa nhận, nguyên nhân chủ yếu là do NM còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ thời vụ vùng nuôi thủy sản. Mặt khác, qua tìm hiểu thực tế, đi về vùng nông thôn chúng tôi gặp không ít lao động nữ trước đây từng làm CN NMCBTS từng bị mất việc hồi cuối năm ngoái. Như chị Nguyễn Kim Hân ở ấp Thọ Hậu, xã Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu), chị bảo tuy có nghe thông báo tuyển CN của các NMCBTS, nhưng thôi, không đi làm nữa. Vì ngẫm lại đi làm CN vừa xa nhà mà đồng lương chỉ đủ tiền ăn, tiền nhà trọ, không có dư gửi về gia đình. Trong khi ở nhà bây giờ đi làm đồng, cắt lúa thuê, ăn cơm nhà vẫn sống được.

Ở xã Vĩnh Biên, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) có một xóm gần 50 lao động nữ trước đây từng rủ nhau đi làm CN cho các công ty CBTS ở Bạc Liêu. Hỏi thăm, hiện nay phần nhiều các chị vẫn còn ngồi nhà, không đi xin việc. Có chị thú thiệt: “Mỗi ngày một người sang Tha Na Rộn, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cắt lúa được hơn 100.000 đồng, không phải tốn tiền ở trọ như làm CN. Chị Lê Thị Bé Bảy ở ấp Vĩnh Sử, xã Vĩnh Biên, phân trần thiệt hơn: “Làm CN TS ăn lương theo sản phẩm nên lúc NM không có tôm tụi em vất vả lắm. Trước Tết hồi còn làm CN ở Bạc Liêu lương giảm chỉ còn 600.000 đồng/tháng, rồi trừ tiền nhà trọ thiếu tiền ăn nên về quê làm ruộng phụ giúp gia đình. Bây giờ đi cắt lúa mướn cũng kiếm được 100.000-120.000 đồng/ngày”.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội CB và xuất khẩu TS VN (VASEP): “Hiện nay các nhà máy CBTS đang cần tuyển dụng lao động là do đã tìm được nhiều đơn hàng mới và để chuẩn bị cho vụ tôm sú mới trong vùng. Chuyện thiếu hụt lao động một phần do số CN từng làm việc trước đây tại các NM nay đã tìm được việc làm thích hợp ở các tỉnh, thành khác hoặc nơi có nhiều khu công nghiệp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân do chế độ đãi ngộ CN ở một số doanh nghiệp còn quá khắt khe nên sau khi ra khỏi NM thì CN không muốn quay trở lại nơi cũ làm việc nữa”.

HỮU ĐỨC-MỸ THANH

Công nhân chế biến thủy sản tại một NMCBTS xuất khẩu ở Cà Mau. Ảnh LHV

Chia sẻ bài viết