24/12/2023 - 14:50

Khánh thành 2 dự án giao thông trọng điểm thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển 

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo một số tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

(CT) - Sáng 24-12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Tiền Giang và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Lễ khánh thành 4 dự án theo hình thức truyền hình trực tuyến. Gồm Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Các đại biểu dự Lễ khánh thành tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tại điểm cầu chính tỉnh Điện Biên và tuyên bố khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có quy mô khu bay gồm: đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác; với tổng mức đầu tư là hơn 1.470 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Dự án đã hoàn thành vào cuối tháng 11-2023 và chính thức đưa vào khai thác trở lại vào ngày 2-12-2023. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, có chiều dài tuyến 40,2km (4 làn xe), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (thực hiện 2021-2023) là 3.253 tỉ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã thông xe.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 có chiều dài tuyến 23 km; dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 6,61km. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.003 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (gồm 6 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ 3,5 giờ xuống chỉ còn hơn 2 giờ, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ nói riêng. Cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ các phương tiện sẽ chính thức được lưu thông bắt đầu từ 7 giờ ngày 25-12-2023.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khánh thành đồng loạt 4 dự án trọng điểm giao thông gồm sân bay, cầu lớn bắc qua sông Tiền và các tuyến đường cao tốc ở cả 2 đầu đất nước, với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỉ đồng là một dấu mốc lịch sử. Lần đầu tiên tổ chức khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm trong cùng một thời điểm bằng hình thức trực tuyến. Thực tiễn đã chứng minh, GTVT nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức, tham gia lao động sản xuất và kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ GTVT và các bộ, ngành, các địa phương có liên quan phối hợp tổ chức khai thác, sử dụng các công trình có hiệu quả, nhất là đối với các tuyến cao tốc; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đồng bộ các hạng mục, các công trình liên quan; quan tâm đảm bảo đời sống của người dân đã nhường đất cho các dự án, với nguyên tắt nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Các nhà thầu, nhà tư vấn tiếp tục rút kinh nghiệm để tiếp tục làm các dự án mới; các cơ quan vận dụng linh hoạt nhất các chính sách theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà thầu, tư vấn đã làm tốt nhiều dự án được tham dự các dự án mới.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết