30/08/2015 - 16:33

Ngành công thương các tỉnh phía Nam

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ CỦA KHU VỰC KINH TẾ NĂNG ĐỘNG

Khu vực phía Nam là khu vực kinh tế năng động và đa dạng với 20 tỉnh, thành phố; trong đó, có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Trong khuôn khổ hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vừa diễn ra tại Cần Thơ, ngành công thương khu vực thống nhất quan điểm cùng liên kết khai thác những lợi thế riêng có của từng địa phương cùng lợi thế chung của toàn khu vực. Từ đó tạo đà phát triển tự nhiên của vùng, thúc đẩy hình thành các cực tăng trưởng, tạo sức lan tỏa phát triển mạnh ra cả nước.

Khu vực kinh tế năng động

20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có các trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất cả nước, với hàng chục cảng biển lớn, hàng ngàn km đường thủy nội địa có vai trò quan trọng trong kết nối, phát triển hệ thống vận tải rộng khắp. Đây cũng là nơi kết nối thị trường khu vực với thị trường trong và ngoài nước thông qua sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Cần Thơ. Đặc biệt, dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng, có quy mô lớn nhằm thúc đẩy kinh tế vùng Nam bộ và cả nước trong thời gian tới và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai là những tỉnh, thành có các khu công nghiệp hiện đại, có số doanh nghiệp (DN) nhiều nhất nước, là yếu tố cơ bản nhất, bảo đảm triển vọng phát triển dài hạn cho vùng.

Năm 2015, dù tình hình sản xuất kinh doanh còn chịu nhiều khó khăn từ các năm trước chưa được giải quyết triệt để, nhưng nhìn chung ngành công thương khu vực phía Nam có bước tăng trưởng khá. Trong 7 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực thực hiện 1.109.426,2 tỉ đồng, đạt 53,2 % kế hoạch và tăng 6,61% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 930.034 tỉ đồng; chiếm tỷ trọng 50,39% so với cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện 46.232,43 triệu USD, tăng 18,85% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ trọng 50% so với cả nước. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Đáng chú ý là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn như: may, da giày,... tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, tạo đòn bẩy kinh tế kích thích các ngành khác phát triển theo.

Thời gian qua, ngành công thương khu vực phía Nam luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển các khu cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, công tác quản lý thị trường... song vẫn còn một số hạn chế. Theo ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất khẩu của các tỉnh, thành phía Nam tuy giữ được nhịp độ tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm lực, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh chưa cao. Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng dựa vào nguồn lao động giá rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu gia công lớn thể hiện mức độ gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài.

 Khu vực phía Nam có các trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất cả nước, hạ tầng giao thông kết nối thông suốt. Trong ảnh: Xếp dỡ container hàng hóa
xuất khẩu tại cảng Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Những năm qua, cùng sự phát triển kinh tế chung, Bình Dương có bước phát triển khá nhanh, đóng góp 11% vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đang dần hình thành nên một trung tâm công nghiệp lớn của khu vực theo định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, xét về tổng thể, ngành công nghiệp Bình Dương còn bộc lộ nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh còn thấp; các DN cùng ngành thiếu liên kết và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh; cạnh tranh thiếu lành mạnh trong ngành còn diễn ra phổ biến và gay gắt ở cả thị trường đầu vào, thị trường tiêu thụ và trong tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động lành nghề. Những hạn chế này làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động, giảm khả năng cạnh tranh của DN nói riêng và của toàn ngành công nghiệp nói chung, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thích ứng với hội nhập

Đối với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng và cấp thiết. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, ngoài những lợi ích có thể mang lại cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam, thì các ngành sản xuất trong nước cũng được dự báo là chịu tác động tiêu cực nếu không có các biện pháp phòng vệ thương mại, chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Do đó, ngành công thương sẽ chủ động cập nhật các thông tin, chính sách trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và triển khai các chính sách thương mại để DN biết, chủ động có kế hoạch, định hướng phát triển thị trường. Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: "Định hướng phát triển công nghiệp của khu vực phải phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, cần phát huy thế mạnh của từng địa phương, có chính sách thúc đẩy từng DN cải tiến công nghệ mới, đa dạng hóa sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh. Từng địa phương khai thác cơ hội hợp tác, đồng thời chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của DN và ngươi tiêu dùng trong nước".

Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về các mặt hàng nông, thủy sản, song các tỉnh ĐBSCL đều có chung đánh giá thị trường nông sản đang đứng trước một thử thách khắc nghiệt. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: Kinh nghiệm trong những năm vừa qua cho thấy, DN nào có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, có dự báo thị trường tốt thì thực hiện các hợp đồng đã ký với hợp tác xã, nông dân có nhiều thuận lợi; hợp đồng đặt hàng tiêu thụ sản phẩm giữa 2 bên ngày một tăng. Ngược lại, nếu DN không dự báo được diễn biến thị trường thì sẽ có nhiều hợp đồng liên kết không thực hiện được. Vấn đề quy hoạch lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường không khó. Việc tổ chức lại sản xuất để sản phẩm hàng hóa đáp ứng theo yêu cầu của thị trường về số lượng, đồng chất lượng, thời gian cung ứng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt là giá cả phải cạnh tranh… Đây là công việc tuy khó khăn nhưng cũng có thể làm được. Vấn đề còn lại là thị trường tiêu thụ, nếu đầu ra bị ách tắc thì việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sẽ không bền vững.

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, khẳng định: Ngành công thương các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần đẩy mạnh liên kết phát triển vùng và tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, các Sở Công thương địa phương phải là thường xuyên cập nhật và phổ biến kịp thời tình hình triển khai các Hiệp định đã được ký kết, các thông tin thị trường thế giới nhất là thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin và tận dụng cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh cả trong và ngoài nước.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết