07/06/2011 - 09:12

Đồng bằng sông Cửu Long

Khẩn cấp phòng chống dịch bệnh trên tôm sú

Mới đây, tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị giao ban phòng chống dịch bệnh thủy sản khu vực ĐBSCL. Tại đây, tác nhân gây dịch bệnh khiến tôm sú nuôi ở ĐBSCL chết hàng loạt thời gian qua tiếp tục được các nhà chuyên môn, nhà khoa học đưa ra bàn bạc, thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề chung nhất được đặt ra là ĐBSCL cần khẩn trương theo dõi, phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo cho việc thả nuôi đạt hiệu quả cao…

* NGUYÊN NHÂN THIỆT HẠI: CHƯA NGÃ NGŨ?

Theo báo cáo của Cục Thú y, đến cuối tháng 5-2011, cả nước đã thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTCT) được trên 558.000ha; trong đó, các tỉnh ĐBSCL thả nuôi trên 547.000ha. Diện tích thiệt hại tính đến ngày 2-6 của 7 tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã lên đến gần 53.000ha, chiếm gần 10% diện tích thả nuôi và hơn 98% diện tích thiệt hại của cả nước. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích thiệt hại lớn nhất với trên 19.000 ha, Bạc Liêu có diện tích thiệt hại gần 8.600ha, Cà Mau và Trà Vinh mỗi tỉnh thiệt hại gần 6.600ha... Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Thú y, con số thiệt hại thực tế còn cao hơn nhiều, do khi phát sinh dịch bệnh, người nuôi đã thu hoạch bán ngay mà không khai báo cho cơ quan quản lý. Nguyên nhân thiệt hại đối với tôm, theo Cục Thú y, ngoài yếu tố thời tiết, việc thực hiện quy trình xử lý ao nuôi, sử dụng hóa chất, theo dõi môi trường nuôi, quản lý chất thải, nước thải, cơ sở hạ tầng vùng nuôi... chưa được chặt chẽ và đúng theo quy định đã làm phát sinh dịch bệnh và tạo lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho các vùng nuôi. Theo Tổng cục Thủy sản, tỷ lệ tôm bệnh chết nhiều thuộc vùng nuôi giáp biển Đông với 75,3%, vùng biển Tây chỉ thiệt hại 11% và đối tượng nuôi thiệt hại lớn là tôm sú với 60,4%, còn TTCT chỉ thiệt hại 19,5%. Vì thế, yếu tố môi trường là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm hơn.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (bìa trái) khảo sát, tiếp xúc với hộ nuôi tôm của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Chưa đồng tình với nhận xét trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cho rằng: “Nếu tôm chết do môi trường thì chỉ xảy ra cục bộ. Tôm chết hiện nay đã có sự lây lan trên diện rộng, với 80% mẫu xét nghiệm của Viện cho kết quả dương tính với bệnh hoại tử gan tụy. Viện cũng đã khoanh vùng tác nhân gây bệnh là nhóm Gamma-Proteobacteria để tiếp tục nghiên cứu”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, bệnh trên gan tôm đã xảy ra cách nay 4-5 năm tại Ninh Thuận. Tại ĐBSCL, bệnh hoại tử gan tụy cũng đã xuất hiện từ năm 2008. Tháng 7-2010, bệnh lại xảy ra ở vùng nuôi tôm công nghiệp của huyện Trần Đề (Sóc Trăng) trên những diện tích thả giống muộn (từ tháng 5 và tháng 6). Tháng 3-2011, bệnh lại xuất hiện tại hầu hết trang trại, hộ nuôi ở Sóc Trăng, nhưng tỷ lệ không cao. Điều đó cho thấy, ổ dịch đã có trong tất cả trang trại, hộ nuôi, nên sự bùng phát dịch mạnh mẽ từ tháng 5 là một tất yếu. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo nhận định: “Con đường lây lan mầm bệnh chủ yếu là qua đường nước với tác nhân chính là vi sinh vật và một con đường khác mang mầm bệnh tới là từ con giống bố mẹ”. Tiến sĩ Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ thông tin thêm: “Qua các mẫu thu được từ tháng 3-2011 đến nay của Khoa Thủy sản cho thấy, bệnh gây chết tôm ở ĐBSCL chủ yếu là do vi khuẩn ký sinh nội bào gây ra. Hiện nay, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đang tiến hành lai phân tử để gây cảm nhiễm, nhằm tìm ra tác nhân gây bệnh. Các mẫu thu được tại Cà Mau, Kiên Giang qua xét nghiệm còn cho thấy có biểu hiện của bệnh hoại tử cơ và cả sự hiện diện của virus Taura trên tôm sú và tôm thẻ”.

* KHẨN CẤP PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

Với kết quả nghiên cứu trên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, đối với mô hình nuôi quảng canh cải tiến, tính phục hồi rất cao, nên không cần tác động bằng hóa chất nhiều mà chủ yếu là sên vét lại rồi thả giống. Đối với mô hình thâm canh, phải cắt đường lây của mầm bệnh trong đất và nước (lây lan ngang) bằng hóa chất như Vôi (CaO) và formol mới xử lý hết mầm bệnh. Đối với hóa chất Clorin chỉ nên sử dụng để xử lý nước chứ không nên xử lý đất. Để cắt đường lây lan từ con giống (lây lan dọc), Bộ NN&PTNT cần đưa tiêu chí bệnh hoại tử gan tụy vào xét nghiệm con giống và hộ nuôi nên thả con post (tôm giống) kích cỡ lớn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo đề xuất: “Gan tôm rất dễ bị tổn thương nhưng cũng rất dễ phục hồi. Có thể sử dụng một số chế phẩm tăng cường chức năng gan cho tôm, hay ôxytetrexylin liều 20gram trộn vào 1kg thức ăn trong 14-20 ngày và ngưng sử dụng 1 tháng trước khi thu hoạch để đảm bảo không dư lượng kháng sinh”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp 7 tỉnh ven biển ĐBSCL vẫn chưa hết băn khoăn trong công tác dập dịch cũng như khôi phục lại sản xuất. Theo đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, hiện nay, bệnh hoại tử gan tụy vẫn tiếp tục xảy ra tại huyện Trần Văn Thời, nhưng nguồn hóa chất để dập dịch thì rất thiếu và chưa kịp thời. Tại những vùng có tôm nuôi bị thiệt hại, công tác quản lý nguồn nước thải ra rất khó khăn, kể cả lượng tôm bị bệnh được thu hoạch đưa đi tiêu thụ cũng chưa kiểm soát được. Tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh... cũng gặp khó vấn đề này do thiếu nguồn nhân lực và biện pháp chế tài. Ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đồng tình với băn khoăn của các tỉnh và cho biết thêm: “Hiện nay, thị trường hóa chất, thuốc thú y cho thủy sản rất “bát nháo”, khó kiểm soát được chất lượng của từng loại. Giá con giống hiện tăng lên từng ngày nhưng kích cỡ thì hầu như không đạt cỡ post theo quy định của Bộ NN&PTNT. Trong khi đó, các khuyến cáo gần đây lại yêu cầu người nuôi nên thả cỡ post lớn. Vấn đề môi trường nuôi được nói nhiều, nhưng đến nay chưa có một tiêu chí cụ thể nào cho vấn đề này”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho rằng: Các địa phương thường xuyên nắm tình hình dịch bệnh, báo cáo định kỳ lên bộ 10 ngày/lần và Bộ sẽ báo cáo vấn đề này lên Thủ tướng. Các cơ quan chuyên môn địa phương phải chủ động tham mưu triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, khôi phục sản xuất. Song song với công tác phòng chống dịch, khôi phục sản xuất, cần nghiên cứu các giải pháp phát triển bền vững, nhất là cơ sở hạ tầng. Đây là nhiệm vụ cấp bách, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện.

Đối với sản phẩm từ vùng dịch, nếu không đạt các tiêu chuẩn thì kiên quyết không cho xuất khẩu để đảm bảo uy tín sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Tăng cường công tác kiểm dịch kể cả nguyên liệu nhập về để chế biến để phòng bệnh từ xa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Đã chống dịch là phải thực hiện nghiêm theo pháp lệnh phòng chống dịch. Cục Thú y cần sớm hoàn chỉnh cụ thể hướng dẫn phòng chống dịch để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện có hiệu quả hơn. Dù chưa biết được tác nhân nhưng cần đánh giá nguy cơ lây lan trên diện rộng để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ những diện tích còn tôm và những diện tích sắp thả nuôi tới đây. Dịch bệnh đã và đang diễn ra trên diện rộng gây thiệt hại cho người dân và kinh tế của các địa phương. Đặc biệt, bệnh tấn công mạnh vào vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh; trong khi đây là những vùng có sản lượng lớn và có nguy cơ lây lan, đe dọa tất cả các địa phương khác trong khu vực. Các giải pháp vừa qua là chưa đủ tầm, thiếu sự phối hợp đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Do đó, cần phải có biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch và hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết