08/06/2013 - 09:21

Khấm khá nhờ trồng trầu Đài Loan

Gần 3 năm nay, thực hiện mô hình trồng trầu Đài Loan trên đất vườn, lão nông Đoàn Văn Đèo (69 tuổi), ở ấp Trường Ninh 2, xã Trường Xuân A (huyện Thới Lai) không chỉ thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định mà còn vươn lên khấm khá. Bình quân mỗi tháng, ông Đèo thu hoạch 2 đợt lá trầu. Trừ các khoản chi phí, ông Đèo thu lợi từ 15 - 20 triệu đồng.

Vợ chồng ông Đoàn Văn Đèo kiểm tra lá trầu chuẩn bị cho đợt thu hoạch. 

Đầu năm 2010, con gái út ông Đèo ở Đài Loan gởi về trầu giống và gợi ý gia đình trồng thử. Ông Đèo tận dụng khoảng đất xung quanh nhà ghim mấy đoạn dây trầu giống. Thời gian đầu, ông Đèo trồng 10 đoạn dây thì chết hết 9 dây. Quyết không bỏ cuộc, ông Đèo kiểm tra quy trình trồng trầu của mình để tìm ra sai sót và điện thoại nhờ con gái thông tin thêm về đặc tính của loại trầu này. Thế là, những liếp trầu xanh được ông Đèo trồng lần thứ 2 ra lá xanh rờn, tươi tốt. Hiểu "tính nết" của loại trầu này, ông Đèo mạnh dạn mở rộng diện tích trồng từ 3 liếp lên 9 liếp với diện tích gần 1.000m2. Vợ chồng ông Đèo phải nhờ các con trai và con dâu cùng phụ tiếp chăm sóc vườn trầu gia đình.

Năm 2011, những liếp trầu cho ra lá đều đặn, khoảng 2 tháng ông Đèo thu hoạch lá trầu một lần. Đến năm 2012, ông đầu tư mua cây, màng phủ lưới làm giàn cố định trên các liếp trầu. Cũng trong năm này, ông Đèo thu khoảng 100 triệu đồng từ bán lá trầu, trừ các khoản chi phí, ông thu lợi từ 60 - 70 triệu đồng. Ông Đèo cho biết: "Giống trầu này phải trồng trong bóng mát, vì nó không chịu được nắng, quan trọng nhất là khâu chăm sóc sau khi dây trầu ra lá non. Việc tưới nước, bón phân cho dây trầu phải được thực hiện định kỳ, cứ 3 ngày tưới nước một lần. Nếu sử dụng thuốc xịt cho lá trầu không đúng liều, dây trầu bị héo và chết dần. Trồng trầu còn cực hơn trồng lúa nữa, mưa nhiều cũng không được, mà nắng quá cũng không xong". Từ chỗ không hiểu gì về đặc điểm của giống trầu này, ông Đèo chịu khó học hỏi, tìm tòi, tự rút ra kinh nghiệm và có thể "chiều chuộng" giống trầu "khó tính" này.

Theo ông Đèo, sau khi bẻ xuống, lá trầu được phân 3 loại gồm: lá lớn, lá vừa và lá nhỏ; trải qua công đoạn làm sạch, khô ráo, xếp cẩn thận thành từng ốp ngay ngắn vào rổ. Chỉ riêng khâu xếp lá trầu, gia đình ông Đèo phải học hỏi một thời gian dài mới làm được. Vì nếu xếp lá trầu vào rổ không đúng quy cách, lá trầu sẽ bị hư, không đẹp, sản phẩm không bán được giá cao. Sau đó, ông Đèo thuê xe vận chuyển đi TP Hồ Chí Minh và gởi qua đường hàng không cho con gái ở Đài Loan tiêu thụ. Ông Đèo cho biết thêm, giống trầu này bán có giá hơn so với giống trầu trong nước, nhưng chi phí cho đầu ra khá cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển và thuê mặt bằng để bán trầu bên Đài Loan. Từ đầu năm 2013 đến nay, bình quân mỗi tháng, ông thu hoạch 2 đợt lá trầu. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng ông Đèo thu lợi từ 15-20 triệu đồng.

Niềm vui rạng ngời trong mắt, bà Nguyễn Thị Lắm, vợ ông Đèo bộc bạch: "Trước kia, vợ chồng tôi nghèo lắm. Gia đình có 3 công ruộng, làm được bao nhiêu lúa thì ăn hết bấy nhiêu. Nhiều lúc phải đi vay hỏi bà con, hàng xóm để lo cho 4 đứa con. Các con ngày càng khôn lớn, phải nghỉ học đi làm mướn phụ giúp gia đình nhưng cuộc sống cũng chật vật lắm. Mấy năm nay, may nhờ trồng loại trầu này, kinh tế gia đình dần ổn định. Tôi đã trả được nợ vay ngân hàng, cất lại căn nhà và sắm sửa vật dụng sinh hoạt". Còn chị Nguyễn Thị Gấm, con dâu thứ tư của vợ chồng ông Đèo, nói: "Ngoài làm ruộng nhà, vợ chồng tôi còn phụ giúp cha mẹ chăm sóc, thu hoạch lá trầu, kiếm thêm thu nhập. Khoản tiền này, tôi dành dụm, tích lũy để sau này lo cho con ăn học, còn thu nhập từ nghề làm ruộng thì dành chi tiêu sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Tôi mong cả nhà được khỏe mạnh để cố gắng làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc".

Anh Trần Văn Quýt, Trưởng ấp Trường Ninh 2, cho biết, gia đình ông Đèo trước kia là một trong những hộ nghèo của ấp. Nhờ ý chí chịu khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo cùng với thành công từ mô hình trồng trầu, gia đình ông Đèo đã nhanh chóng thoát nghèo, trở thành một trong những gia đình kinh tế khấm khá. Địa phương đang tiến hành làm thủ tục đề nghị thành phố công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cho ông Đèo.

Hiện nay, 2 người cháu của ông Đèo đã bắt tay nhân giống trầu này trên đất của gia đình và thu hoạch bước đầu cho lợi nhuận khá. Theo ông Đèo, thời gian qua, một số hộ dân biết mô hình trồng trầu Đài Loan của ông cho thu nhập đáng kể, đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Đèo vui vẻ truyền đạt kỹ thuật trồng và chăm sóc trầu cũng như sẵn lòng cung ứng giống và giúp đỡ khâu tiêu thụ trầu. Tuy nhiên, các hộ dân ngán ngại khi biết số vốn đầu tư và tỷ lệ rủi ro trồng giống trầu này khá cao. Hy vọng, thông qua mô hình trồng trầu hiệu quả của ông Đèo, xã Trường Xuân A sẽ có hoạch định cụ thể về việc xây dựng mô hình, vốn vay, kỹ thuật, tìm đầu ra giúp nông dân xã nhà có cuộc sống ổn định, thúc đẩy mạnh mẽ công tác giảm nghèo của địa phương.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết