Khu vực Á - Âu gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với tổng diện tích khoảng 23,5 triệu km2, dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4.500 tỉ USD. Đây là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam và còn nhiều dư địa hợp tác. Tuy nhiên, để cụ thể hóa những cơ hội này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, việc nắm bắt thông tin thị trường, cập nhật chính sách của khu vực, cũng như tối ưu hóa các giải pháp marketing, thanh toán, vận tải... cần được các bên đặc biệt chú trọng.

Dệt may là một trong những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Á - Âu.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu (Eurasia) chỉ đạt 13,3 tỉ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực Eurasia đạt 9 tỉ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này là 6,3 tỉ USD, giảm 1,2%; nhập khẩu đạt 2,7 tỉ USD, giảm 19%. Mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai bên bị sụt giảm trong thời gian qua, tuy nhiên khu vực Á - Âu vẫn là một thị trường giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Á - Âu chỉ chiếm khoảng 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Các dự án đầu tư từ khu vực Á - Âu hiện chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Điều đó cho thấy cơ hội giao thương, hợp tác đầu tư 2 bên còn rất lớn. Mặt khác, giữa hai bên đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA); Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 Ủy ban Hỗn hợp/ Ủy ban liên Chính phủ và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương. Bên cạnh đó, khu vực Á Âu cũng là nơi đông đảo cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống...
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Việt Nam tại Liên bang Nga, thông tin: Các sản phẩm như gia vị, nước chấm, trái cây tươi và sấy khô, đồ uống, thực phẩm… có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam hoặc do các doanh nhân người Việt Nam phát triển dần xuất hiện nhiều hơn tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn, chợ đầu mối của Nga và một số nước SNG. Trong đó, có thể kể đến một số thương hiệu như nước uống Vinus, trái cây sấy King, mì Gấu Đỏ, bia Hà Nội, bia Sài Gòn, cà phê Trung Nguyên, nước chấm Cholimex… Hiện tại Nga có khoảng 700-800 nhà hàng bán các món ăn Việt Nam tại Nga. Hầu như Mát-xcơ-va và các thành phố lớn của Nga đều có nhiều nhà hàng/quán ăn Việt Nam với các sản phẩm thực phẩm, đồ uống thương hiệu Việt Nam. Hàng dệt may Made in Vietnam cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các Trung tâm thương mại lớn của Nga. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sang Nga đạt 343,7 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đồng thời phát triển thương hiệu Việt Nam tại Nga và các nước SNG khác đồng thời thu hút khách du lịch vào Việt Nam.
❝ Ông Tạ Hoàng Linh, khẳng định: “Với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương tại khu vực Á Âu, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các Ðại sứ quán, các cơ quan đại diện thương mại của các nước trong khu vực, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… Qua đó, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng cơ hội hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Á Âu”.
|
Tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa sang 2 thị trường nói trên cũng gặp nhiều cản ngại từ an ninh chính trị khu vực còn bất ổn; khoảng cách địa lý xa nên thiếu thông tin thị trường; khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tập quán kinh doanh; rào cản kỹ thuật… Từ thực tế đó, ông Dương Hoàng Minh khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham dự triển lãm chuyên ngành tại các nước để tìm hiểu thị trường và tìm khách hàng, đối tác kinh doanh tiềm năng. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi tiến hành giao dịch, ký kết hợp đồng. Hợp đồng cần được các bên trao đổi và có sự ràng buộc kỹ càng về mặt pháp lý, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc chậm thanh toán. Đặc biệt chú trọng đến các vấn đề như thanh toán, điều kiện giao nhận hàng nhằm đảm bảo tránh rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hàng không Vietjet, kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico, nhấn mạnh: “Việt Nam và khu vực Á - Âu có rất nhiều điểm chung, quan hệ gắn kết trong quá khứ, rất nhiều doanh nhân thành công tại Việt Nam hiện nay từng có thời gian học tập, sinh sống tại khu vực Đông Âu hay Trung Á. Từ nền tảng đó, chúng tôi tin rằng sự hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường, văn hóa, con người tại các quốc gia này đặc biệt rõ ràng. Điều quan trọng cần làm là có các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện để biến những tiềm năng sẵn có trở thành các hợp tác, các khoản đầu tư”.
Theo đó, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, các chương trình xúc tiến thương mại trên quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia, tháo gỡ những rào cản để hoạt động thương mại song phương, đa phương được phát triển. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các sàn thương mại điện tử của các nước để tìm kiếm khách hàng, tăng cường xuất khẩu hàng hóa, phân phối… Hoạt động logistics, vận tải hàng hóa là một khâu quan trọng trong hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí nhằm phát triển hoạt động vận tải bằng đường không cho các hàng hóa, thực phẩm, trái cây… sẽ góp phần tạo bước phát triển mới cho thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu.