28/05/2021 - 19:58

Khai thác lợi thế, phát triển bền vững nuôi biển ÐBSCL

(CT) - Ngày 28-5, Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ phối hợp Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến phát triển bền vững nuôi biển ÐBSCL.

Theo các chuyên gia, ÐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nghề nuôi biển. Từ đó, các diễn giả tập trung phân tích về hiện trạng và tiềm năng phát triển một số loài thủy sản thích hợp cho phát triển nuôi biển tại ÐBSCL, như: cá biển, nhuyễn thể, cua biển, rong biển... Ðây là các dòng sản phẩm đang được thị trường trong nước lẫn quốc tế ưa chuộng, có nhu cầu nhập khẩu cao.

Mặc dù có nhiều lợi thế, song nghề nuôi biển ở ÐBSCL phải đối mặt với những khó khăn: dịch bệnh trên thủy sản; biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình nên kinh phí đầu tư hạn hẹp; liên kết giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối còn lỏng lẻo...

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư xây dựng trại nuôi biển công nghiệp; mở rộng chuỗi giá trị theo hướng tạo nguồn nguyên liệu và hậu cần dịch vụ phục vụ nuôi biển công nghiệp tại ÐBSCL. Ðồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các bộ ngành, viện trường, địa phương và doanh nghiệp, nông dân trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh hướng đến sự phát triển hiện đại và bền vững của ngành thủy sản. Ngoài ra, doanh nghiệp, nông dân của vùng ÐBSCL cũng cần nhận thức việc thâm canh và hiện đại hóa các mô hình nuôi biển là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và các thành tựu công nghệ 4.0 được ứng dụng rộng rãi.

MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết