Cùng với việc phát triển các tuyến xe buýt nội tỉnh, TP Cần Thơ quan tâm mở mới các tuyến xe buýt liền kề kết nối với các địa phương lân cận. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân có thêm phương thức di chuyển. Đồng thời, góp phần tăng khả năng tiếp cận của loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, khuyến khích thói quen sử dụng phương tiện công cộng…
Kết nối
Với vị trí trung tâm của ĐBSCL, TP Cần Thơ là nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, khu công nghiệp… nhu cầu người dân đến Cần Thơ học tập, khám chữa bệnh, làm việc… khá cao. Các tuyến xe buýt kết nối TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận tạo cho người dân có thêm phương thức di chuyển an toàn, tiết kiệm chi phí. Do vậy, đông đảo người dân ủng hộ, tham gia sử dụng xe buýt để di chuyển. Chị Nguyễn Thị Thơm ở đường Nguyễn Sinh Sắc, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Từ ngày có tuyến xe buýt TP Sa Đéc - Cần Thơ rất tiện lợi. Tôi có thể tự đón xe buýt đi Cần Thơ khám bệnh hoặc thăm con học đại học. Xe chạy từ sáng sớm đến chiều tối, trên xe có máy lạnh, wifi, sạch sẽ, giá cả phải chăng, đi xa cũng không ngại nắng mưa. Tôi rất hài lòng!”.
Tuyến xe buýt liền kề Cần Thơ - TP Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp được nhiều người dân lựa chọn đi lại.
Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện đang hoạt động 10 tuyến xe buýt chất lượng cao, không trợ giá. Bên cạnh đó còn có 10 tuyến xe buýt liền kề đang khai thác với tổng chiều dài mạng lưới khoảng 532,6km, kết nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận với 60 phương tiện. Các tuyến này do Sở Giao thông vận tải các tỉnh đang quản lý đầu tuyến, gồm: tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Hậu Giang, tỉnh An Giang. Cụ thể, tuyến Cần Thơ - Vĩnh Long, cự ly tuyến 47km (Bãi đỗ xe công cộng kết hợp điểm đầu, cuối xe buýt tại số 36 Nguyễn Văn Linh - Bến xe khách TP Vĩnh Long và ngược lại) với 8 phương tiện; tuyến Cần Thơ - Vũng Liêm, cự ly tuyến 67km (Bãi đỗ xe công cộng kết hợp điểm đầu, cuối xe buýt tại số 36 Nguyễn Văn Linh - Bến xe khách Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) với 2 phương tiện; tuyến Cần Thơ - thị trấn Đại Ngãi, cự ly tuyến 45km (Bãi đỗ xe công cộng kết hợp điểm đầu, cuối xe buýt tại số 36 Nguyễn Văn Linh - Bến xe khách Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng và ngược lại) với 4 phương tiện; tuyến Cần Thơ - Hậu Giang, cự ly tuyến 45km (Bãi đỗ xe công cộng kết hợp điểm đầu, cuối xe buýt tại số 36 Nguyễn Văn Linh - Bến xe phường 7, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và ngược lại) với 6 phương tiện; tuyến Cần Thơ - TP Sa Đéc, cự ly tuyến 54km (Bãi đỗ xe công cộng kết hợp điểm đầu, cuối xe buýt tại số 36 Nguyễn Văn Linh - Bến xe TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và ngược lại) với 8 phương tiện; tuyến Ngã ba Lộ Tẻ - TP Sa Đéc, cự ly tuyến 47km (Ngã ba Lộ Tẻ, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - Bến xe TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và ngược lại) với 8 phương tiện; tuyến Ngã ba Lộ Tẻ - Châu Thành, cự ly tuyến 24km (Ngã ba Lộ Tẻ, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - Bến xe Châu Thành, tỉnh An Giang và ngược lại) với 6 phương tiện; tuyến Cần Thơ - thị trấn Búng Tàu, cự ly tuyến 48,5km (Bãi đỗ xe công cộng kết hợp điểm đầu, cuối xe buýt tại số 36 Nguyễn Văn Linh - thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và ngược lại) với 8 phương tiện; tuyến Cần Thơ - Hậu Giang, cự ly tuyến 48km (Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ - Bến xe khách Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và ngược lại) với 10 phương tiện. Riêng tuyến Cần Thơ - thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng): cự ly tuyến 88km hiện đang tạm ngưng hoạt động.
Phát triển mạng lưới
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân, các tuyến xe buýt còn góp phần thu hút người dân tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân. Qua đó, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, nội ô đô thị, giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang đến diện mạo mới, văn minh cho hoạt động giao thông. Do vậy, TP Cần Thơ quan tâm nâng cao chất lượng, tăng tính kết nối của hoạt động xe buýt, thu hút người dân sử dụng đi lại. Theo dự kiến, trong năm 2024 thành phố sẽ mở mới 5 tuyến xe buýt liền kề với tổng chiều dài mạng lưới khoảng 211km, gồm: tuyến Công viên sông Hậu - thị trấn Kinh Cùng (tỉnh Hậu Giang); tuyến Phong Điền - thị trấn Bảy Ngàn (tỉnh Hậu Giang); tuyến Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ - thị trấn Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng); tuyến Thới Lai - huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang); tuyến Cờ Đỏ - huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang).
Theo ông Nguyễn Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Trung tâm đã tham mưu Sở Giao thông vận tải thành phố ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị khai thác 3/5 tuyến xe buýt liền kề thành phố theo hình thức không trợ giá. Cụ thể, tuyến Công viên Sông Hậu - thị trấn Kinh Cùng (tỉnh Hậu Giang); tuyến Phong Điền - thị trấn Bảy Ngàn (tỉnh Hậu Giang); tuyến Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ - thị trấn Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng). Hiện đang thông báo để các đơn vị vận tải đăng ký tham gia khai thác các tuyến trên…
Để nâng cao hiệu quả các tuyến xe buýt liền kề với các tỉnh lân cận, Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp với các Sở Giao thông vận tải các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang về việc tổ chức, quản lý kinh doanh, điều kiện kinh doanh và quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng các tuyến xe buýt liền kề. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt hiện hữu phù hợp nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới tuyến để tăng cường năng lực kết nối hiệu quả giữa Cần Thơ với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại...
Bài, ảnh: L. MẪN