07/03/2012 - 22:04

Khai mạc Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng

Sáng 7-3, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) đã khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong công tác PCTN. Mới đây nhất, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã xác định các nhóm biện pháp hàng đầu là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là giải pháp mang tính trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách nhất; đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác PCTN.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và 5 năm thực hiện Luật PCTN, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện có kết quả, tạo khí thế mới cho công tác PCTN, bước đầu củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, được bạn bè quốc tế đánh giá tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu bước đầu, hội nghị lần này có trách nhiệm phân tích, làm rõ những mặt hạn chế, tồn tại và yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Luật PCTN. Trên cơ sở đó, thảo luận, đề ra các biện pháp khắc phục nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tiếp theo.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp ủy Đảng đã kiểm tra 1.089.771 đảng viên, phát hiện 11.594 đảng viên vi phạm; thi hành kỷ luật 2.953 trường hợp. Ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn nổi cộm, bức xúc, dễ phát sinh sai phạm. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, hoặc kiến nghị xử lý 4 Ủy viên Trung ương Đảng (trong nhiệm kỳ X), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự Đảng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ngành; 2 bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế nhà nước.

Trong 5 năm, toàn ngành thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kết thúc 52.671 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 20.743,8 tỉ đồng và 993.978 USD. Cùng thời gian này, cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án tham nhũng trong 5 năm qua có tiến bộ so với trước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh: Vụ Mai Văn Dâu, Huỳnh Ngọc Sỹ...

Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc học tập, quán triệt Nghị quyết ở một số tỉnh, Thành ủy và Ban cán sự đảng, đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương chưa sâu sắc, còn nặng về hình thức. Có Ban Chỉ đạo PCTN cấp tỉnh, một số Tỉnh ủy, Thành ủy có biểu hiện buông lỏng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN. Tuy có tiến bộ nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong từng năm có xu hướng giảm trong khi các vụ án hình sự nói chung ngày càng tăng. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài trong đó các vụ án nghiêm trọng, phức tạp...

TTN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết