26/03/2023 - 06:41

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023)

Khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn” 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Với sự tin tưởng, kỳ vọng to lớn vào thế hệ cách mạng đời sau, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý các cấp bộ Đoàn phải quan tâm khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên. Năm năm sau, tại Đại hội XII, đồng chí Tổng Bí thư ghi nhận tình trạng trên đã được khắc phục một bước, nhưng vẫn nhấn mạnh những hạn chế tuy nhỏ nhưng để lại nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.

Cùng với tuổi trẻ cả nước, hơn 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, bên cạnh sự lớn mạnh của tổ chức Đoàn và sự trưởng thành của phần lớn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), vẫn còn một bộ phận ĐVTN giảm sút lòng tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, có biểu hiện xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Đây là những khó khăn, thách thức, đòi hỏi tổ chức Đoàn phải tiếp tục quan tâm, có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bài 1: Hệ lụy lớn từ những biểu hiện suy thoái nhỏ

Anh Nguyễn Minh Nhật ở khu vực Yên Bình, phường Lê Bình, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) được kết nạp Đảng khi đang là học sinh lớp 12. Anh Nhật từng ấp ủ ước mơ trở thành công chức nhà nước, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, anh chuyển sang làm dịch vụ quay phim, chụp ảnh. Có lúc anh Nhật dao động, trăn trở với ý nghĩ việc tham gia sinh hoạt Đảng không còn ý nghĩa đối với sự nghiệp của bản thân. Khi gắn bó với tổ chức Đảng ở địa phương, anh nhận ra rằng dù ở “mặt trận” nào, đảng viên cũng có thể cống hiến, góp sức xây dựng quê hương. Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng kịp “thông suốt”, có nhận thức tích cực như anh Nhật. Ở nơi này, nơi khác vẫn còn bộ phận đảng viên trẻ, ĐVTN có biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng, thiếu niềm tin vào tổ chức. Đây cũng là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cá nhân  “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với nhiều hệ lụy. 

Những biểu hiện “mơ hồ”

Tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Trong ảnh: Tuổi trẻ Cụm Đồng bằng Sông Hậu tổ chức hành trình vì biển đảo quê hương tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Trong ảnh: Tuổi trẻ Cụm Đồng bằng Sông Hậu tổ chức hành trình vì biển đảo quê hương tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nhắc lại tâm trạng trong những tháng đầu quyết định xếp lại tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh và chọn ngành nghề khởi nghiệp không liên quan đến những kiến thức đã học, anh Nhật trải lòng: “Lúc đấy, tôi từng có suy nghĩ luyến tiếc thời gian phấn đấu, rèn luyện và tự hỏi, việc tham gia sinh hoạt Đảng có giúp ích gì cho bản thân”. Thế nhưng, thực tiễn tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương (Chi bộ khu vực Yên Bình) đã giúp anh Nhật dần chín chắn hơn trong suy nghĩ và hành động. Là người khởi nghiệp thành công ở lĩnh vực nhiếp ảnh, anh Nhật khởi xướng, triển khai mô hình “Phố Ông Chảnh” - trở thành điểm du lịch thu hút từ 2.000 đến 3.000 lượt khách tham quan vào dịp Tết hằng năm. Anh Nhật chia sẻ: “Việc vận động 11 hộ dân cùng tham gia mô hình thuận lợi hơn khi mình là đảng viên sinh hoạt tại địa phương. Có tập thể Chi bộ, Ban nhân dân, các đoàn thể khu vực ủng hộ và tích cực hỗ trợ, bà con càng tin tưởng hơn”. 

Nhận thức có phần thực dụng về “quyền lợi” của đảng viên đã trở thành rào cản khiến một số cá nhân chưa phấn đấu, tự nguyện vào Đảng. Như trường hợp anh Phan T.S ở quận Ninh Kiều, từng là sinh viên xuất sắc và tích cực tham gia hoạt động Đoàn - Hội. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, anh S xin làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Anh S bộc bạch, anh không phấn đấu vào Đảng vì việc vào Đảng không đem lại lợi ích cho công việc đang làm, phần vì sợ ràng buộc bởi quy định, hội họp; khi đi công tác, hội thảo nước ngoài phải xin phép. 

Theo anh Phạm Văn Toàn, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ, bên cạnh đa số bạn trẻ nỗ lực, phấn đấu trở thành đảng viên, vẫn còn những trường hợp không tha thiết phấn đấu vào Đảng vì nhiều lý do. Đó là không có ý định làm việc tại cơ quan nhà nước; không muốn ràng buộc bởi những quy định, quy chế và hội họp; không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước. Đó là suy nghĩ chưa đúng của một số bạn trẻ bởi quá trình phấn đấu trở thành đảng viên là cơ hội để người trẻ rèn luyện bản thân. Những quy định của Đảng đặt ra cũng nhằm giúp đảng viên trưởng thành hơn về tư tưởng, đạo đức, lối sống và trên hết là đóng góp trí tuệ phục vụ lợi ích của tập thể, đất nước.

Ngay cả đảng viên đang tham gia sinh hoạt Đảng cũng có biểu hiện “mơ hồ” về nhiệm vụ của đảng viên. Anh N.V.T, đảng viên trẻ tại doanh nghiệp tư nhân ở quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Do doanh nghiệp tôi làm việc không có tổ chức đảng, nên tôi sinh hoạt Đảng ở nơi thường trú, tỉnh Hậu Giang. Tôi vượt đường xa để dự sinh hoạt lệ chi bộ hằng tháng nhưng cũng chỉ ngồi nghe phổ biến các văn bản. Nhiều lúc, tôi không biết vai trò, nhiệm vụ của mình là gì...”.

Khi trả lời câu hỏi “Vào Đảng để làm gì?”, nhiều cán bộ, đảng viên, cán bộ đoàn thể thường kể về cuộc nói chuyện của Bác Hồ khi đến thăm lớp huấn luyện đảng viên mới tổ chức tại Hà Nội vào năm 1966. Bác nói: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải!...”. Kể về truyền thống vẻ vang của Đảng, những tấm gương đảng viên hy sinh vì nước, vì dân, Bác ôn tồn nói: “Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”. Tâm đắc với những lời Bác dạy, anh Phạm Văn Toàn cho rằng ngay từ khâu “đầu vào”, nếu không làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, không chú ý rèn luyện, thử thách, thì rất dễ “lọt” những người vào Đảng với động cơ, mục tiêu không trong sáng.

Nhận diện rõ những hạn chế, thách thức

Tình trạng một bộ phận ĐVTN không quan tâm, chưa tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn là nỗi trăn trở của không ít cán bộ Đoàn hiện nay. Anh Nguyễn Hoàng Kiệt, Bí thư Đoàn phường An Thới, quận Bình Thủy, cho biết: “Đoàn phường hiện có 10 chi đoàn khu vực, với hơn 140 đoàn viên; chưa tới 50% thanh niên tham gia các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi (định kỳ và đột xuất) và chỉ 30% đoàn viên là lực lượng nòng cốt trong các phong trào tại địa phương”. Thực trạng đó cho thấy tình hình tập hợp, đoàn kết ĐVTN của tổ chức Đoàn - Hội chưa đạt yêu cầu, từ đó công tác tuyên truyền, giáo dục chưa như mong muốn.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là đa số ĐVTN trong độ tuổi tập trung học tập, lao động nên không thể tham gia các hoạt động tổ chức trùng vào giờ học, giờ làm việc, thì cần nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là một số chi đoàn chưa thực sự đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục; hoạt động, phong trào chưa “bấm trúng” nhu cầu của ĐVTN. Chính tình trạng “khô Đoàn” dẫn đến “nhạt Đảng” trong thanh niên. Theo anh Nguyễn Hoàng Kiệt, một số thanh niên đề cao quá mức nhu cầu, quyền lợi cá nhân, trong khi xem nhẹ vai trò, trách nhiệm với gia đình, xã hội; không quan tâm nắm bắt nội dung các nghị quyết, Điều lệ Đoàn cũng như chương trình hành động của các cấp bộ Đoàn; ngại sinh hoạt Đoàn. Một bộ phận thanh niên lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương, đơn vị.

Theo chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2017-2022 còn 2 chỉ tiêu chưa đạt. Đó là tỷ lệ kết nạp Đảng từ đoàn viên ưu tú (đạt 76,91% so với chỉ tiêu) và tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên (đạt 68% so với chỉ tiêu đề ra là 70%). Bên cạnh nguyên nhân khách quan, cần thấy rằng chất lượng một số cơ sở đoàn chưa cao, từng nơi, từng lúc hoạt động, phong trào còn hình thức, chưa bám sát thực tiễn; nội dung, phương thức sinh hoạt sinh hoạt chưa hấp dẫn. Một bộ phận tổ chức đoàn chưa bắt nhịp kịp với những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức, đời sống của thanh niên. Một số đơn vị chưa quan tâm thỏa đáng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chưa đầu tư đúng mức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảng viên mới.

------------

Bài 2: Đất tốt ươm mầm xanh

Chia sẻ bài viết