10/07/2019 - 18:26

Khắc phục khó khăn phát triển sản xuất nông nghiệp 

6 tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố bất lợi từ thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp xác định cần phải tập trung thúc đẩy sản xuất phát triển tốt hơn mới có thể tạo ra mức tăng trưởng cao cho cả năm nay.

Thu hoạch trái cây tại một hộ dân ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

► Nhiều khó khăn

Lúa là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ. Tuy nhiên, sản xuất lúa đang đối mặt nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2019 do giá cả bấp bênh. Vụ lúa đông xuân 2018-2019 và hè thu 2019, nông dân phải bán lúa với mức giá thấp hơn ít nhất 800-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Ruộng lúa của nhiều nông dân cũng cho năng suất thấp so cùng kỳ nên đa phần nông dân thu nhập thấp.

Thời gian qua, nông dân trồng nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác tại thành phố cũng gặp khó do giá cả đầu ra sản phẩm còn thường xuyên bấp bênh. Đồng thời, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi cũng bị ảnh hưởng xấu vì sự xuất hiện của sâu, bệnh và diễn biến thời tiết bất lợi ngày càng tăng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu... Nhưng giá cả nhiều loại rau màu và giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu đã liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Trong chăn nuôi, cá tra giữ vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu gần đây chỉ còn ở mức 19.500- 21.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với khi cá tra đạt mức giá cao kỷ lục 35.000-36.000 đồng/kg trong năm 2018. Với mức giá cá tra quá thấp như hiện nay, nhiều người nuôi cá đang bị lỗ vốn trên dưới 3.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Những tháng qua, giá heo hơi cũng giảm thấp so với cùng kỳ năm trước và bệnh dịch tả heo châu Phi vốn chưa có thuốc điều trị cũng đã xuất hiện gây hại cho đàn heo trên địa bàn TP Cần Thơ. Từ tháng 3-2019 đến 30-6, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 386 hộ chăn nuôi tại 48 xã, phường thuộc 9 quận, huyện của thành phố, với hơn 10.170 con heo buộc phải tiêu hủy. Từ đầu năm đến nay, tại thành phố cũng xảy ra ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên heo tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ.

► Nỗ lực khắc phục

Trước những khó khăn trên, ngành nông nghiệp cùng các cấp, các ngành chức năng thành phố và địa phương đã và đang tích cực vào cuộc để hỗ trợ nông dân duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất để đảm bảo có thu nhập, ổn định đời sống. Trong đó, khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây trồng vật nuôi có đầu ra tốt và mô hình sản xuất có hiệu quả cao, cũng như tăng cường hỗ trợ kết nối giữa nông dân với nhau và với các nhà tiêu thụ, doanh nghiệp bao tiêu để đảm bảo đầu ra sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm. Tăng cường công tác dự báo, đề ra giải pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh thiên tai và dịch bệnh để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, quận Thốt Nốt đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất lúa giống. Bên cạnh đó, quận cũng hỗ trợ nông dân hình thành được các vùng chuyên canh trồng rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái theo hướng an toàn và đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, được sự hỗ trợ của địa phương và các ngành chức năng, nông dân tại huyện cũng đã tích cực chuyển đổi từ các diện tích đất sản xuất lúa và vườn tạp kém hiệu quả sang các mô hình chuyên canh trồng cây ăn trái giúp mang lại thu nhập cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Đến nay, toàn huyện có trên  2.930ha cây ăn trái. Nhiều nông dân sản xuất lúa tại huyện cũng nâng cao được hiệu quả sản xuất và từng bước ổn định đầu ra sản phẩm nhờ tham gia các mô hình “cánh đồng lớn” và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, muốn đạt được chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp trong cả năm nay đạt 1,2% theo kế hoạch, chúng ta cần nỗ lực thúc đẩy sản xuất để gia tăng mạnh giá sản xuất nông nghiệp trong những tháng cuối năm. Bên cạnh việc phát triển sản xuất lúa vụ thu đông 2019, các địa phương cần chú ý tăng diện tích, sản lượng rau màu và cây ăn trái. Đồng thời, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại cá khác ngoài cá tra. Cần tận dụng các điều kiện thuận lợi của mùa lũ để phát triển các hoạt động nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản, phát triển nuôi cá trong vèo, trong ao và trên đồng ruộng. Mặt khác, tăng cường nuôi các con vật khác ngay thời điểm này để bù đắp lại đàn heo bị thiệt hại do dịch bệnh như: trâu, bò, dê, thỏ, gà vịt... và chủ động chuẩn bị tái đàn heo khi hết bệnh dịch tả heo châu Phi.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu và kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quận, huyện cần rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch trong 6 tháng đầu năm để tập trung đề ra giải pháp khắc phục khó khăn và hạn chế, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng còn lại của năm. Trong đó, cần nỗ lực duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. Tích cực khống chế các loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi và chủ động phòng tránh thiên tai. Quan tâm tăng cường kiểm tra, quản lý giá cả và chất lượng các mặt hàng nông, thủy sản và vật tư nông nghiệp bán trên thị trường, phòng tránh hàng gian, hàng giả…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết