26/10/2011 - 14:20

Kết quả từ những mô hình điểm

Nhờ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp đúng lợi thế tiềm năng, nhiều hộ dân ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã cất được nhà cửa khang trang, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM), tại Đồng bằng sông Cửu Long có 1 tỉnh, 1 huyện và 2 xã được chọn để XD mô hình chỉ đạo điểm của trung ương. Đến nay, theo nhận định của các ngành hữu quan, việc triển khai mô hình điểm tại các địa phương đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đây sẽ là kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác trong tiến trình XD NTM...

* Kết quả bước đầu

An Giang là 1 trong 5 tỉnh của cả nước được chọn là tỉnh chỉ đạo điểm trong XD NTM. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến nay, ngoài việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia tỉnh An Giang về NTM (gồm 20 tiêu chí), phân công nhiệm vụ cho 13 sở, ngành của tỉnh phụ trách từng tiêu chí, kiện toàn bộ máy tổ chức để chỉ đạo, điều hành thực hiện..., An Giang vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa phát động rộng rãi phong trào thi đua NTM trên địa bàn tỉnh. Qua gần 2 năm thực hiện XD NTM, nhiều tiêu chí NTM trước đây chưa có hoặc mức độ đạt được còn thấp thì nay đã có sự chuyển biến tích cực. Đến đầu tháng 10-2011, trong tổng số 136 xã, thị trấn (gọi chung là xã) XD NTM của tỉnh An Giang đã có 9 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, 78 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí , 25 xã đạt 5 tiêu chí và có 24 xã đạt dưới 5 tiêu chí...

Khi được chọn là 1 trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước trong XD NTM (tháng 10-2010), huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đạt 5/19 tiêu chí so với bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Ông Trần Hoàn Duyên, Bí thư Huyện ủy Phước Long, cho biết: Xuất phát điểm là huyện thuần nông nên Phước Long xác định còn rất nhiều khó khăn trong thực hiện XD NTM. Nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ rất thấp so với tiêu chí XD NTM của trung ương, nhất là giao thông, chợ nông thôn, cơ cấu lao động, hộ nghèo, môi trường và cơ sở vật chất văn hóa. Nhận diện khó khăn này, Phước Long tập trung chỉ đạo vừa nâng chất các tiêu chí đã đạt, tập trung các tiêu chí gần đạt và vừa dồn sức chỉ đạo quyết liệt đối với các tiêu chí đạt thấp. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về XD NTM, tạo sự đồng thuận từ trong nội bộ Đảng đến quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức và hành động... Hiện nay, tại Phước Long đã dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi giữa các địa phương. Nhà nhà, người người tham gia XD NTM bằng nhiều việc làm cụ thể như: cải tạo vườn tạp; chỉnh trang làm đẹp khuôn viên, nhà cửa; làm hàng rào... Đặc biệt, nhân dân tích cực đóng góp sức người, sức của, hiến đất XD lộ nông thôn, nhà văn hóa... Nhờ đó, đến nay, theo đánh giá sơ bộ của ngành hữu quan, Phước Long đã đạt 6/19 tiêu chí và nhiều tiêu chí đạt trên 50% so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.

Tại ĐBSCL, xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) và xã Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) là 2 đơn vị xã chỉ đạo điểm của trung ương trong XD NTM. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, từ nguồn vốn trung ương, địa phương và đặc biệt là vốn góp của nhân dân, 2 địa phương này từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng như: điện, trường học, đường giao thông... Ngoài ra, nhờ thực hiện chuyển đổi sản xuất có hiệu quả từ các vụ tôm sú, trồng màu, trồng lúa đúng lợi thế tiềm năng của địa phương..., xã Mỹ Long Nam dự kiến đạt mức thu nhập bình quân đầu người của xã khoảng 25 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng/người so với năm 2010. Trong tiến trình XD NTM, xã Định Hòa cũng đã phối hợp cùng các ngành hữu quan xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như: cánh đồng 4 tốt, cấy nấm diệt rầy nâu, diệt sùng trên khoai lang, nuôi cá, trồng rau... góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ từ 10 triệu đồng/người/năm (năm 2009) tăng lên trên 17 triệu đồng/người/năm (đầu năm 2011)...

* Bài học “lấy dân làm gốc”

Theo các địa phương XD mô hình điểm NTM ở ĐBSCL, Chương trình XD NTM mang tính tổng hợp nhiều chương trình phát triển kinh tế- xã hội, là một chủ trương mới nên việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn lúng túng. Do đó, để sớm đưa chương trình này vào thực tiễn, ngoài việc triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Chính phủ, các địa phương cần XD và ban hành các chính sách khuyến khích để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, cần xác định nông nghiệp là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nông thôn là địa bàn chiến lược và nông dân là chủ thể của quá trình phát triển để có sự tập trung lãnh đạo đúng đắn.

Ông Nguyễn Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Để XD thành công xã NTM cùng với việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vấn đề quan trọng hơn là phát huy tổng lực và trong đó cần xác định vai trò chủ lực là từ phía nhân dân. Phát huy vai trò của nông dân là thực hiện đồng bộ một cách có hệ thống các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường... Vai trò của nông dân trong XD NTM văn minh, hiện đại, được thể hiện như sau: người trực tiếp tham gia vào quá trình XD quy hoạch và thực hiện quy hoạch XD NTM; nông dân luôn có tính chủ động và sáng tạo trong XD kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; lực lượng trực tiếp tham gia trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn... Theo tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, qua gần 3 năm triển khai thí điểm XD NTM ở xã Định Hòa, bài học kinh nghiệm trước tiên là phải tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng để mọi cấp mọi ngành trong hệ thống chính trị và người dân nhận thức đúng đắn, sâu sắc tầm quan trọng chiến lược của chương trình XD NTM. Từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm và tạo ra sự đồng thuận để huy động các nguồn lực XD nông thôn. Trong quá trình XD NTM phải xác định rõ vai trò chủ thể của người dân, phải phát huy dân chủ, minh bạch công khai mọi công việc XD NTM trên địa bàn xã. Qua đó mới huy động được sức dân, vì chính họ là người trực tiếp thực hiện XD NTM và hưởng lợi. Trong chỉ đạo điều hành XD NTM phải quan tâm gắn đầu tư XD cơ sở hạ tầng với tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, phát động phong trào thi đua các hộ dân thay đổi nếp sống lạc hậu, tự giác chỉnh trang nơi ăn ở, giữ gìn vệ sinh môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống và đổi mới bộ mặt nông thôn...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết