23/07/2024 - 08:34

Kết nối thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại 

Thời gian qua, công tác kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn được đẩy mạnh, đặc biệt vào các kênh phân phối hiện đại, được các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp, góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trên cả nước. Nhờ đó, hàng hóa của các địa phương, của doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường; người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa chất lượng và đa dạng.

Gian hàng kinh doanh nông sản địa phương tại siêu thị GO! Cần Thơ luôn thu hút đông người tiêu dùng.

Kết nối tiêu dùng xanh

Hiện nay, hàng hóa Việt Nam phát triển cả về chất lượng, số lượng, đa dạng về chủng loại, đặc biệt ngày càng có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. Các kênh phân phối phát triển đa dạng và hiện đại, giúp người tiêu dùng  dễ dàng hơn trong việc mua sắm. Theo thống kê, tại Việt Nam, hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm. Nhờ hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp, hàng hóa từ các nhà bán lẻ này được kiểm soát nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng, ổn định giá cả khi đến tay người tiêu dùng.

Tại hội thảo kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Park Chang Lyul, Giám đốc Vận hành LOTTE Mart Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là một thị trường quan trọng của Tập đoàn LOTTE Hàn Quốc, LOTTE Mart đang theo đuổi mục tiêu trở thành siêu thị thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng về sự đa dạng các mặt hàng thực phẩm sạch, chất lượng, tươi ngon và tốt cho sức khỏe. Ông Park Chang Lyul cho biết thêm, một trong chiến lược quan trọng của LOTTE đó là gia tăng phát triển mặt hàng nội địa, nhằm mang đến nguồn hàng chất lượng cao có giá cả hợp lý tới người tiêu dùng. Vì vậy, Tập đoàn sẽ không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đa dạng hơn các mặt hàng thực phẩm chất lượng, an toàn nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế.

Nhằm giúp các nhà cung ứng thực phẩm nội địa tăng năng lực cạnh tranh và gia tăng cơ hội xuất hiện trong hệ thống phân phối hiện đại, ông Park Chang Lyul cho rằng, các nhà cung cấp trước tiên phải đáp ứng về mặt giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận hoạt động cũng như tìm hiểu về quy trình giao nhận hàng hóa của hệ thống bán lẻ để đảm bảo cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết. Bên cạnh đó, cần đầu tư thêm vào mẫu mã bao bì sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp để bắt kịp sự thay đổi của thị trường và tạo hiệu ứng cho người tiêu dùng. Ðồng thời, các nhà cung cấp cần chú trọng vào vấn đề nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố giúp đưa hàng vào siêu thị dễ hơn. Việc sử dụng tem truy xuất hàng hóa dưới dạng QR code sẽ giúp bảo vệ và khẳng định chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (chủ quản hệ thống siêu thị GO! Big C, Tops Market), Central Retail rất chú trọng phát triển tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Siêu thị với hơn 30.000 sản phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt, ngày càng nhiều ngành hàng chú trọng vào sản phẩm xanh, bao bì xanh… Ðây là bước ngoặt lớn thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong làm việc với các nhà cung cấp. Bà Nguyễn Thị Mai Phương cho biết thêm, hiện nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu cho tiêu dùng xanh, chung tay cùng doanh nghiệp tham gia các chương trình không sử dụng túi nylon, sẵn sàng dùng thùng carton với đơn hàng lớn.

Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị chủ quản của các hệ thống các bán lẻ: Co.opmart, Co.op Food, HTV Co.op,… là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, hiện đang sở hữu nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhất cả nước, chiếm trên 35% thị phần bán lẻ hiện đại khối nội, đón tiếp 1.000.000 lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Ông Nguyễn Anh Ðức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, ưu tiên hàng đầu của Saigon Co.op là kết nối bền chặt với các nhà cung cấp, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Cụ thể, Saigon Co.op cam kết cùng các nhà cung cấp hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: Hợp tác về cung ứng hàng hóa - giá cả và bình ổn thị trường; hợp tác xanh cùng Saigon Co.op; hợp tác vì cộng đồng - xã hội; hợp tác đẩy mạnh thương mại điện tử; hợp tác phân phối hàng hóa; phát triển hàng nhãn riêng và bếp tập trung. Ðặc biệt, Saigon Co.op đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và trong chăm sóc khách hàng, qua đó mở rộng kết nối giúp khách hàng có trải nghiệm xuyên suốt trong toàn hệ thống Saigon Co.op. 

Tại TP Cần Thơ, công tác quảng bá, kết nối hàng hóa được thúc đẩy. Tại các siêu thị trên địa bàn, những sản phẩm của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của các hợp tác xã, doanh nghiệp tại TP Cần Thơ đưa vào siêu thị chất lượng tốt, hình ảnh bao bì đẹp mắt, giá cạnh tranh… và được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp của địa phương, các chủ thể OCOP trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Ðồng thời, tạo điều kiện để sản phẩm thế mạnh, đặc sản và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương tiếp cận, kết nối các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài thành phố, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Giải pháp để thực phẩm an toàn

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành các trung tâm logistics theo hướng đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững; đưa thương mại điện tử (TMÐT) theo hướng minh bạch, bền vững. Ðồng thời tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.

Cùng với với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, kinh doanh trên TMÐT ngày càng phổ biến. Qua ghi nhận tại hệ thống của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong tổng số 50.334 website TMÐT bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%). Bên cạnh loại hình website TMÐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMÐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMÐT đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký.

Trong công tác quản lý, năm 2023, Cục TMÐT và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch TMÐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các sàn TMÐT đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm. 6 tháng đầu năm 2024, Cục cũng phối hợp với Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các sàn giao dịch TMÐT rà soát và gỡ bỏ một số sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, còn yêu cầu nhiều sàn giao dịch TMÐT, chủ website bán hàng phối hợp, rà soát các sản phẩm đông y không rõ nguồn và mỹ phẩm chưa có phiếu công bố mỹ phẩm.

Ðề xuất một số giải pháp quản lý an toàn thực phẩm trên TMÐT trong thời gian tới, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMÐT, Cục TMÐT và Kinh tế số cho rằng, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng TMÐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm. Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

 

Chia sẻ bài viết