09/02/2017 - 21:28

Kết nối thị trường cho sản phẩm thủ công

Tìm hướng mở để nâng giá trị cho sản phẩm thủ công từ việc kết nối với thị trường du lịch đã và đang là nhu cầu cấp thiết đối với các hợp tác xã (HTX) và các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Để thực hiện điều này, đòi hỏi các HTX và cơ sở làng nghề chủ động liên kết cùng các đơn vị kinh doanh du lịch để hợp tác sản xuất mặt hàng thủ công theo nhu cầu thị trường.

Tìm hướng mở

Hiện nay, TP Cần Thơ có khoảng 24 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, nhiều HTX đan tre, đan lục bình, như: HTX Kim Hưng ở quận Cái Răng, HTX Quốc Noãn ở huyện Thới Lai… góp phần khôi phục phát triển làng nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Các HTX thực hiện cung cấp nguyên liệu đầu vào, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho xã viên. Tuy có nhiều bước phát triển tốt, nhưng nhiều HTX chưa chú trọng đến thiết kế kiểu mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng nên chưa thể kết nối với thị trường du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các HTX phải năng động liên kết cùng các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch để tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vừa phục vụ nhu cầu trang trí, vừa làm quà biếu tặng cho du khách khi đến với TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL.

 Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của cơ sở làng nghề, HTX thu hút khách tham quan tại lễ khen thưởng doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng tiêu biểu khu vực ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: "HTX Quốc Noãn chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ tre, nứa, lục bình và đã có chỗ đứng trên thị trường. Tết năm 2017, HTX Quốc Noãn sản xuất trên 50.000 giỏ hoa Tết, cần xé, chậu hoa kiểng các loại để cung cấp cho các điểm kinh doanh hoa kiểng tại TP Cần Thơ, tỉnh Bình Dương và nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL. Dù có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng thu nhập kiếm thêm từ việc đan lác mây tre khoảng 20 triệu đồng/năm". Theo ông Nguyễn Ngọc Nà, muốn nâng cao giá trị sản phẩm thủ công, ngoài sản xuất theo đơn hàng, hoặc bán sản phẩm mình có, HTX sẽ liên kết cùng với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch để làm nông cụ nông nghiệp, như: nơm, lọp, giỏ xách… Các sản phẩm này sẽ được thiết kế nhỏ, gọn và dễ vận chuyển, đáp ứng nhu cầu trang trí hay làm quà biếu tặng cho du khách. Song song đó, HTX sẽ tổ chức cho xã viên đi tham quan, học hỏi những mô hình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ kết hợp với du lịch theo xu hướng thị trường ở các nơi khác để nâng cao tay nghề và cải thiện thu nhập cho xã viên HTX.

Theo ông Dương Tấn Phát, Giám đốc HTX du lịch môi trường xanh Kiên Giang, để cung cấp đa dạng các dịch vụ, quà tặng hay hàng đặc sản phục vụ nhu cầu của du khách, ngoài liên kết với các HTX chuyên làm hàng đặc sản tại Kiên Giang, HTX sẽ liên kết với nhiều HTX làm hàng thủ công từ mây tre đan lác, lục bình tại TP Cần Thơ sáng tạo ra các nông cụ làm nông vừa trang trí, vừa làm quà biếu tặng. "Để hàng thủ công mỹ nghệ thật sự thu hút du khách trong và ngoài nước, các HTX làm hàng thủ công mỹ nghệ cần nâng cao tay nghề cho xã viên, chú trọng hình thức, kiểu mẫu các sản phẩm phải thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của nghề nông vùng ĐBSCL"- ông Phát nói.

Cần trợ lực

Hiện nay, nhiều HTX thiếu vốn nên chưa đầu tư đổi mới công nghệ trong quy trình sản xuất. Vì vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ hạn chế, thiếu tính đa dạng nên khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Nhiều HTX có sản phẩm đặc trưng, nhưng chưa xây dựng được mối liên kết với các điểm trưng bày, quảng bá cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ,… nên đầu ra cũng hạn chế, thu nhập của xã viên chưa đạt như mong muốn. Việc nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đòi hỏi xã viên ở các HTX có tâm huyết với nghề, năng động và sáng tạo để sản phẩm thủ công mang đặc trưng riêng của địa phương. HTX rất cần sự trợ lực từ các cấp chính quyền trong kết nối tín dụng, thị trường tiêu thụ và đào tạo tay nghề cho xã viên.

Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: "Sản phẩm đan lác thủ công ngày nay không chỉ phục vụ nhu cầu sản phẩm đựng đồ dùng mà còn là sản phẩm mang nét đặc trưng thu hút khách du lịch đến với TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL. HTX sẽ cải tiến mẫu mã sản phẩm, kết hợp chất liệu phù hợp, nhất là ứng dụng kỹ thuật mới để sản phẩm đẹp và bền hơn. Song, các ngành chức năng cần hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ triển lãm, tiếp thị hình ảnh đến với khách hàng để có cơ hội mở rộng thị trường". Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền, các HTX làm hàng thủ công mỹ nghệ cần phát huy tính chủ động liên kết cùng các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm thủ công, đưa hàng thủ công mỹ nghệ vươn xa, vượt khỏi cổng làng. 

Bài, ảnh: M. Hoa

Chia sẻ bài viết