21/08/2015 - 09:06

KẾT NỐI DOANH NGHIỆP ĐỂ VƯƠN KHƠI

Với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và sắp ký, các mặt hàng thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: gạo, thủy sản, hải sản, trái cây, rau… đang đứng trước những cơ hội thị trường rất lớn. Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật, thương mại khi ra thị trường thế giới và cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ là thách thức cho doanh nghiệp (DN). Hội nhập chủ động, hay là "chết" còn tùy thuộc vào nhận thức của DN.

Triển vọng hợp tác

Việt Nam hiện đã ký 11 FTA với các nền kinh tế trên thế giới, đồng thời đang đàm phán 5 hiệp định quan trọng. Theo các chuyên gia kinh tế, trước các cơ hội và thách thức lớn từ các FTA, kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập mới sâu rộng hơn, nên DN cần liên kết lại để tạo một sức mạnh tổng hợp. Tại ĐBSCL, khởi đầu cho sự liên kết này, tháng 2-2015, tại Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), một mạng lưới mới đã ra mắt, giữa Hội DN HVNCLC, CLB DN dẫn đầu (LBC) với 4 tỉnh, thành ABCD Mekong (An Giang- Bến Tre- Cần Thơ- Đồng Tháp) đã mở ra không gian hợp tác sáng tạo cùng phát triển cho các DN của 4 địa phương cùng với DN HVNCLC và LBC. Chương trình hợp tác được khởi động từ tháng 10-2014 và kế hoạch thực hiện trong 3 năm (2015-2017); đồng thời, chương trình này chính thức đưa vào kế hoạch kinh tế- xã hội của 4 địa phương. Chương trình với các mảng hoạt động trọng điểm gồm: thực hiện mô hình mới sáng tạo- liên kết đội ngũ DN của mỗi địa phương trong ABCD với Hội DN HVNCLC và LBC để phát huy nguồn lực; hỗ trợ phát triển thương hiệu, hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; xây dựng chương trình phối hợp truyền thông quảng bá chung cho kinh tế địa phương và DN… Chủ nhiệm chương trình hợp tác ABCD Mekong với 2 tổ chức DN này là ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cùng Ban Chỉ đạo và điều phối gồm 8 thành viên (4 vị Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành và lãnh đạo sở, hoặc Hiệp hội DN).

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho biết: "Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mới và hơn lúc nào hết, các DN khu vực ĐBSCL cần liên kết lại với nhau. Một sự kiện rất cần thiết và có ý nghĩa được 4 tỉnh, thành và 2 tổ chức DN cùng chọn tập trung tổ chức là một diễn đàn dành cho CEO đồng bằng cùng các đối tác sẽ diễn ra ngày 4-9 tới. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ mang lại hàng loạt cơ hội hợp tác đầy triển vọng ngay trước thách thức của giai đoạn hội nhập mới". Theo bà Hạnh, nền sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai; trong quá trình hội nhập, các DN vẫn đang khó về nguồn nhân lực từ quy hoạch tới sử dụng và phát huy. Do đó, Mekong connect- CEO Forum 2015 lần đầu tiên này được xem là sự kiện đặc biệt; đây là cuộc đối thoại của các doanh nhân ĐBSCL mà nòng cốt là doanh nhân ABCD Mekong với doanh nhân TP HCM, cả nước (những đối tác trên chuỗi giá trị) với lãnh đạo các tỉnh thành, lãnh đạo các bộ ngành, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và giới truyền thông.

 Tọa đàm giữa các CEO thuộc ABCD Mekong tại buổi họp báo công bố diễn đàn Mekong connect- CEO Forum 2015. Ảnh: NGỌC BÍCH

Theo Ban Tổ chức Mekong connect- CEO Forum 2015, Ban Tổ chức đã gửi phiếu thăm dò các DN tại ĐBSCL để làm cơ sở tổ chức diễn đàn, đa số DN phản hồi đều cho rằng họ chưa đủ thông tin để chuẩn bị chu đáo đón nhận cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập. DN cũng chưa rõ cách vận dụng lợi thế, tránh né các bất lợi và các bẫy nguy hiểm khi đối mặt với các FTA. Mặt khác, việc tiêu thụ nông sản của ĐBSCL vẫn bấp bênh, khiến nông dân và DN trong vùng không còn sức đầu tư căn cơ tham gia chủ động chuỗi cung ứng toàn cầu như một bệ đỡ cho tiến trình hội nhập. Nên DN rất kỳ vọng các vướng mắc của họ sẽ được mở tại Mekong connect- CEO Forum 2015 tới.

Cùng hành động

Tại tọa đàm trong buổi họp báo công bố chương trình Mekong connect- CEO Forum 2015, nhiều DN thuộc ABCD Mekong đã rất tâm huyết và khẳng định xu hướng liên kết là con đường tất yếu cho DN hội nhập. Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma), TP Cần Thơ, cho biết: "Liên kết ABCD Mekong, tôi rất tâm đắc, bởi các DN ĐBSCL rất cần thông tin về hội nhập. DHG muốn đứng vững ở thị trường Việt Nam và ra thế giới, muốn vậy phải liên kết. Nhân lực là vấn đề mấu chốt để phát triển DN. Cần Thơ đã có đường hàng không, đường bộ rất thuận tiện nhưng khoảng cách vẫn còn rất xa so với các đô thị lớn!. Chẳng hạn như chúng tôi lên TP HCM tuyển dụng nhân sự cấp cao, họ chỉ đồng ý làm việc tại TP HCM, chứ không chịu về Cần Thơ. Điều này cũng làm DN rất tủi thân. Tôi đã học một lớp học với một giảng viên nước ngoài, họ bảo với tôi rằng, đánh giá chất lượng DN người ta không nói sản phẩm chất lượng mà nhìn nhận chất lượng DN bằng sản lượng sản phẩm mới ra đời. DN cần đi theo con đường này để hội nhập". Theo bà Phạm Thị Việt Nga, hội nhập kinh tế quốc tế, DN cần liên kết, hy vọng liên kết các CEO để đưa đồng bằng mình vượt lên. DN phải trụ vững ở sân nhà rồi đi ra thế giới. DHG Pharma đưa ra tiêu chí là nơi nào có người dùng thuốc, nơi đó có DHG. Để làm được điều đó, công ty luôn tập trung nghiên cứu, sáng tạo; hội nhập, DN nào không đầu tư cho nghiên cứu phát triển là thua ngay.

Theo bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang, công ty hoạt động từ hơn 12 năm qua và đã có những bước tiến ra thị trường nước ngoài, DN rất chủ động để đón các thời cơ thị trường. Sản phẩm cá tra đã đi đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và con đường đi ra thế giới cũng rất gian nan, đòi hỏi DN phải có sự chuẩn bị tốt. Để ứng phó với các rào cản từ vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ, năm 2005, công ty đã mạnh dạn mở rộng thị trường sang Dubai và một số quốc gia khác. "Muốn bán cá cho các thị trường lớn, các DN phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu của đối tác, bởi họ đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật, an ninh, xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm… DN phải chủ động trong việc đổi mới công nghệ, sáng tạo để có những hoạch định kinh doanh hiệu quả, nắm bắt tốt các thời cơ"- bà Loan chia sẻ.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, trong cuộc thăm dò của Ban Tổ chức Mekong connect- CEO Forum, nhiều DN đã trả lời đều bày tỏ sự quan tâm đến triển vọng về cơ hội khởi nghiệp của giới trẻ ĐBSCL mà chính những hành động sáng tạo, có nhiều cách làm táo bạo qua các mô hình kinh doanh từ nông sản, ruộng vườn đã và đang được tiến hành, đã mở ra một tương lai mới cho khu vực. Ông Trần Anh Thuy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần rượu Phú Lễ (Bến Tre), nói: "Muốn khởi nghiệp, chủ DN cần xác định mục tiêu kinh doanh, đối tượng khách hàng của mình là ai và phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ là chìa khóa để DN mở ra các cơ hội kinh doanh, bởi nếu không đăng ký bảo hộ thì khi hội nhập sâu rộng, DN khác có thể chớp thời cơ đăng ký nhãn hiệu mà chúng ta dày công nghiên cứu". Từ thực tế này có thể thấy, nhu cầu liên kết trong DN của ĐBSCL đang rất bức thiết. Nhiều DN kỳ vọng các cơ hội kinh doanh sẽ đến với họ nhiều hơn.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết