08/09/2023 - 07:07

Kết nối các dự án khởi nghiệp 

Bài, ảnh: TÚ ANH

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” do Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai từ tháng 3-2023 đến nay, đã thu hút 446 hồ sơ tham gia. Trong đó, có 135 dự án từ 63 tỉnh, thành đoàn vào vòng bán kết, riêng khu vực miền Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 56 dự án. Trong khuôn khổ cuộc thi, các startup được đội ngũ chuyên gia, doanh nhân tư vấn, định hướng hoàn thiện dự án và tập huấn các kiến thức về khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số.

Ðại biểu tham quan mô hình, dự án của các thí sinh tham gia vòng bán kết khu vực miền Nam cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” diễn ra tại TP Cần Thơ.

Tìm hướng đi riêng 

Cuối tháng 8-2023, tại TP Cần Thơ, tác giả của 56 dự án vào vòng bán kết khu vực miền Nam cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” sôi nổi tranh tài. Cuộc thi do Trung ương Ðoàn phối hợp Tổng Công ty Cổ phần Sabeco và Công ty Cổ phần Thiết bị bay Agridrone Việt Nam tổ chức. Tại vòng thi này, các thí sinh thuyết minh giới thiệu dự án trong thời gian 5 phút (nếu có video được cộng thêm 2 phút). Các dự án tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa thông qua trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; công nghiệp bảo quản, chế biến thực phẩm; phát triển ngành nghề, sản phẩm truyền thống, khai thác du lịch cộng đồng...

Ðiểm chung các dự án là các bạn trẻ nắm bắt lợi thế từ chuyển đổi số để quảng bá sản phẩm, tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa lợi nhuận. Anh Hồ Hoàng Hiếu, chủ cơ sở sản xuất An Gia Farm ở xã An Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Tôi tập trung sản xuất và kinh doanh các loại nấm ăn (nấm rơm, nấm bào ngư) và nấm dược liệu (nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo) gần 2 năm qua. Dù đạt tiêu chuẩn VietGap, nhưng để sản phẩm vào siêu thị không dễ dàng đối với startup trẻ, do đó thương mại điện tử là kênh kinh doanh được tôi đẩy mạnh”. Theo anh Hiếu, hiện anh xây dựng kênh bán hàng qua các trang mạng xã hội như: Tiktok, Facebook, đồng thời xây dựng trang web để giới thiệu và kinh doanh sản phẩm trực tuyến. Nhờ chuyển đổi số, anh có thể tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, không tốn nhiều nhân sự và tiếp cận nhiều khách hàng đa dạng, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.

“Trồng nấm với diện tích 9m2” của anh Ngô Xuân Ðiền ở phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, là dự án duy nhất của thành phố vào vòng bán kết cuộc thi. Từ năm 2015, anh Ðiền khởi nghiệp với mô hình trồng nấm dược liệu (đông trùng hạ thảo, linh chi…). Ban đầu, anh trồng nấm trong 1 căn phòng chỉ 9m2, 1 máy lạnh và 1 nồi hấp. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh tự tìm tòi, nghiên cứu từ trên mạng, sách báo và rồi những sợi đông trùng hạ thảo đầu tiên đã ra đời, kết quả kiểm định cho thấy đạt được tất cả các chỉ tiêu về hàm lượng dược chất. Từ bước đệm đó, anh dốc sức cho mô hình kinh tế này và ngày càng mở rộng quy mô. Ðến năm 2018, anh thành lập Công ty Cổ phần Dược thảo Fungi. Ðến nay, công ty của anh có thể sản xuất 50.000 hộp/năm, tương ứng 150kg khô/năm.

Nhiều dự án bước đầu thành công cũng nhờ biết phát huy thế mạnh của địa phương và có hướng đi riêng như: “Máy sấy ruốc đa năng tiết kiệm năng lượng mặt trời”, “Lụa sen Ðồng Tháp”, “Sản xuất da từ vỏ xoài”...

Cùng bạn trẻ khởi nghiệp

Theo chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn - Trung ương Ðoàn, giai đoạn 2017 đến nay, các cơ sở Ðoàn trong cả nước đã tổ chức 1.453 cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia. Các cuộc thi góp phần sàng lọc dự án, mô hình có chất lượng, phù hợp để triển khai trong thực tiễn. Mỗi cuộc thi đều lồng ghép hoạt động kết nối đầu tư, hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ năng khởi nghiệp và tạo điều kiện cho thanh niên tham quan, học hỏi các mô hình khởi nghiệp thành công. Ðiển hình như cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn”, trước khi diễn ra vòng bán kết, các thí sinh và đoàn viên, thanh niên được Ban Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, chuyển đổi số. Các bạn trẻ được báo cáo viên giới thiệu các chuyên đề: Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, phần mềm quản trị doanh nghiệp, thanh toán điện tử VnPay, lợi ích của phát triển mạng lưới đối tác. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, hơn 100 thanh niên được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh thời 4.0 như ứng dụng công nghệ Chat GPT và AI trong bán hàng, tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội…

Nguyễn Tấn Phát, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Ðại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng hội nghị tập huấn là một trong những hoạt động không chỉ giúp bạn trẻ kỹ năng lập phương án khởi nghiệp, mà còn nắm bắt các xu thế kinh doanh mới, nhất là trên các sàn thương mại điện tử. Theo Phát, dự án “Thanh mít sấy mật ong” do Phát và bạn bè nghiên cứu chỉ mới ở giai đoạn thí nghiệm, vì vậy rất cần những buổi tập huấn để nhóm được các chuyên gia hướng dẫn xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển phát triển, tiếp cận thị trường. “Tại đây, em còn có cơ hội gặp gỡ nhiều startup, doanh nhân và đại diện các tổ chức, đoàn thể để kêu gọi hợp tác, kết nối đầu tư phát triển sản phẩm khởi nghiệp”, Phát bộc bạch.

Cuộc thi không chỉ cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, mà còn thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày thêm lan tỏa và khởi sắc.

Chia sẻ bài viết