18/11/2008 - 08:33

Hiệp định an ninh Mỹ - Iraq:

Kể ủng hộ, người phản đối

Với 27/28 bộ trưởng đồng thuận, ngày 16-11, Chính phủ Iraq đã thông qua Hiệp định an ninh với Mỹ, theo đó Lầu Năm Góc sẽ rút toàn bộ các lực lượng quân sự khỏi nước này vào cuối năm 2011. Hiệp định cũng đưa ra nhiều quy định mới hạn chế hoạt động chiến đấu của lính Mỹ ở Iraq bắt đầu từ ngày 1-1-2009, trong đó có việc binh sĩ Mỹ phải rút khỏi khu vực thành thị từ cuối tháng 6-2009. Đây được xem là sự nhượng bộ đáng kể của chính quyền Tổng thống George Bush, vốn từng kịch liệt phản đối việc ấn định thời gian biểu cho việc rút quân khỏi Iraq.

Nội các Iraq thông qua hiệp định an ninh với sự nhất trí cao. Ảnh: AFP 

Theo Ali al-Dabbagh, người phát ngôn Chính phủ Iraq, Baghdad cũng tăng thêm quyền hạn trong việc xử lý những trường hợp binh sĩ Mỹ phạm tội nghiêm trọng khi không làm nhiệm vụ và không ở căn cứ. Hiệp định mới còn cấm quân đội Mỹ sử dụng lãnh thổ Iraq để tấn công các nước láng giềng, ví dụ như vụ đặc nhiệm Mỹ từ Iraq xâm nhập lãnh thổ Syrie và giết chết 8 người hồi cuối tháng rồi. Ông al-Dabbagh cho biết mỗi bên có quyền hủy bỏ hiệp định với điều kiện thông báo cho phía bên kia trước một năm.

Hiệp định dự kiến sẽ được Quốc hội Iraq phê chuẩn trong phiên họp ngày 24-11 tới mà không vấp phải trở ngại nào do sự ủng hộ của đa số thành viên người Shiite và các đối tác người Kurd. Các đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki hiện đang chiếm đa số tại Quốc hội 275 ghế.

Hiệp định được Chính phủ Iraq thông qua một cách dễ dàng như vậy là nhờ có sự ủng hộ của Đại giáo sĩ Ali al-Sistani, nhân vật có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng Hồi giáo Shiite ở Iraq, bởi nó gần như đáp ứng 3 điều kiện của ông là: chủ quyền toàn diện cho Iraq, minh bạch và đa số người dân ủng hộ hiệp định. Mặt khác, nghị quyết của LHQ giám sát quân đội Mỹ ở Iraq sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới, nếu không thông qua hiệp định mới hoặc Hội đồng Bảo an cản trở việc gia hạn, các lực lượng Mỹ ở Iraq sẽ phải dừng hoạt động. Điều này làm gia tăng nguy cơ bùng phát bạo lực.

Trong khi đó, những người ủng hộ giáo sĩ chống Mỹ người Shiite Moqtada al-Sadr lại phản đối hiệp định. Giáo sĩ Sadr kêu gọi Quốc hội bác bỏ thỏa thuận này vì theo ông, đây là thỏa thuận bán Iraq và nhân dân Iraq. Ông dọa sẽ ra lệnh cho lực lượng dân quân tinh nhuệ của mình nổi dậy nếu Washington không lập tức rút quân. Trong khi đó, nhiều người Sunni cũng phản đối hiệp định nhưng với lý do ngược lại: họ lo ngại không có Mỹ, số phận của họ có thể bị phó mặc cho cộng đồng người Shiite chiếm đa số ở Iraq quyết định.

Chỉ vài giờ sau khi Chính phủ Iraq bỏ phiếu thông qua hiệp định, một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra ở tỉnh Diyala làm 15 người chết và 20 người khác bị thương. Còn tại Baghdad, một quả bom phát nổ làm 3 người chết và 7 người khác bị thương. Các nhà phân tích nhận định rằng Hiệp định an ninh Mỹ -Iraq có thể sẽ được Quốc hội Iraq thông qua để mở đường cho tiến trình Mỹ rút quân trong danh dự, song tình hình an ninh - chính trị ở Iraq sau đó sẽ diễn biến theo chiều hướng nào là điều không ai dám khẳng định.

N.MINH (Theo NYTimes, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết