25/08/2022 - 07:42

Iran nhượng bộ để cứu vãn JCPOA? 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Politico)

Iran đã từ bỏ thêm một yêu cầu liên quan đến hoạt động thanh sát hạt nhân trong bối cảnh đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vẫn tiếp diễn.

Iran từng đặt ra điều kiện để quay lại JCPOA là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phải kết thúc cuộc điều tra về những vật liệu hạt nhân được phát hiện trong các cơ sở của nước này hồi năm 2019. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ ngày 23-8 cho biết Tehran đã từ bỏ yêu cầu trên.

Các nhà đàm phán Iran đến Áo dự cuộc thương thảo hạt nhân hồi đầu tháng 8. Ảnh: CNN

Ðộng thái mới của Iran có thể gia tăng khả năng tạo đột phá sau khi Cộng hòa Hồi giáo tuần rồi cũng đã từ bỏ một yêu cầu quan trọng khác. Cụ thể, Tehran đã ngừng yêu cầu Washington loại bỏ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của nước này khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ để đổi lấy việc Iran quay trở lại tuân thủ văn kiện mà họ đã ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ðức) năm 2015. Ngoài ra, Iran cũng lược bỏ những yêu cầu liên quan việc loại khỏi danh sách nhiều công ty bắt tay với IRGC.

Năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố, một phần trong “chiến dịch gây sức ép tối đa” nhằm vào nhiều lĩnh vực khác nhau của Iran mà ông áp đặt sau khi rút Washington khỏi JCPOA hồi năm 2018 với lý do thỏa thuận “quá yếu, quá hẹp”. Ðiều này khiến Tehran từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận và thúc đẩy chương trình hạt nhân đã tạm dừng trước đó. Theo các điều khoản JCPOA, Tehran phải hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nhậm chức đầu năm 2021 đã cam kết sẽ nỗ lực khôi phục thỏa thuận bởi họ đánh giá đây là “phương tiện tốt nhất” để kiềm chế mối đe dọa hạt nhân từ Iran. Do vậy, chính quyền của ông đã dành gần một năm rưỡi cho các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran thông qua các quan chức Liên minh châu Âu (EU) để đạt được mục tiêu đó. Trong quá trình đàm phán, Mỹ khăng khăng IRGC vẫn phải nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố và IAEA được phép tiếp tục điều tra. Do vậy, chính quyền ông Biden xem phản ứng của Iran đối với dự thảo thỏa thuận hạt nhân do EU đề xuất hồi đầu tháng là bước nhượng bộ đáng kể.

Tuy nhiên, chưa rõ liệu Tehran có duy trì yêu cầu quan trọng thứ ba hay không, tức thỏa thuận mới phải bao gồm một cơ chế mà theo đó nước này sẽ được bồi thường nếu chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng rút Mỹ khỏi thỏa thuận.

Israel gây sức ép lên Mỹ

Trong khi đó, Israel đang gia tăng ép sức lên chính quyền ông Biden nhằm buộc đồng minh từ bỏ nỗ lực trong việc hồi sinh JCPOA. Thế nhưng Nhà Trắng phát tín hiệu không đổi ý.

Trong chuyến thăm Nhà Trắng ngày 23-8, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Eyal Hulata đã gặp người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan để bày tỏ những lo ngại của Israel về lộ trình bản dự thảo thỏa thuận hạt nhân mới nhất. Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng đã gửi một loạt dòng tweet thúc giục Mỹ tránh xa các cuộc đàm phán mà ông lo ngại kết quả của nó sẽ thúc đẩy chính quyền Iran “đầy nguy hiểm và không đáng tin cậy”. Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz sẽ gặp ông Sullivan tại Washington vào ngày mai 26-8.

Ðối với các lãnh đạo chính trị Israel, Iran với nền kinh tế mạnh hơn là một nước Iran đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Phía Iran coi Israel là một quốc gia “bất hợp pháp” và một số người còn dự báo về sự biến mất của nước này. Israel phản đối thỏa thuận hạt nhân vì sợ rằng nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận Iran, Tehran sẽ sử dụng tiền để theo đuổi các hoạt động bao gồm tài trợ và vũ trang cho các nhóm khủng bố nhắm vào Israel. Nhiều chính khách Israel cũng tin rằng Iran sẽ không từ bỏ tham vọng hạt nhân và với nền kinh tế mạnh hơn, Tehran sẽ lại theo đuổi chương trình gây tranh cãi này.

Chia sẻ bài viết