03/06/2021 - 11:47

Interpol ngăn chặn 83 triệu USD tiền ăn cắp của tội phạm mạng châu Á 

Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol vừa cho biết đã ngăn chặn 83 triệu USD, tiền các nạn nhân của tội phạm liên quan đến tài chính qua Internet khỏi bị chuyển vào tài khoản các tin tặc, trong một cuộc trấn áp tội phạm mạng khắp châu Á.

Ảnh: BleepingComputer.

Hơn 40 quan chức hành pháp chuyên chống tội phạm mạng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tham gia chiến dịch HAECHI-I của Interpol kéo dài hơn 6 tháng. Từ tháng 9-2020 đến tháng 3-2021, chiến dịch này đã tập trung trấn áp 5 loại tội phạm có liên quan đến tài chính qua Internet như: lừa đảo đầu tư, lừa đảo tặng quà qua hình thức tìm người yêu trên Internet, rửa tiền có liên quan đến cờ bạc, tống tiền bằng các hình ảnh có liên quan tình dục và lừa đảo giọng nói.

Các khoản tiền ăn cắp đã bị chặn trước khi được chuyển vào các tài khoản của tin tặc sau nhiều hoạt động hợp tác và nhiều tháng theo dõi hành động của tin tặc. Qua chiến dịch HAECHI-I, Interpol đã mở hơn 1.400 cuộc điều tra tội phạm mạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam...

892 vụ việc đã được xử lý và nhiều vụ việc khác đang được tiếp tục điều tra. 585 vụ bắt giữ đã được tiến hành khắp thế giới và hơn 1.600 tài khoản ngân hàng của các tội phạm đã bị đóng băng.

Trong một vụ việc cụ thể, một công ty Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo chiếm đoạt email doanh nghiệp sau khi tiếp cận một đối tượng mà công ty này nghĩ là đối tác thương mại. Các hóa đơn đã được yêu cầu và các thông tin ngân hàng đã được bí mật đổi thành các tài khoản ngân hàng của bọn tội phạm mạng. Khoảng 7 triệu USD đã được chuyển đi và hướng vào các tài khoản ở Indonesia và Hong Kong. Interpol đã chặn đứng và đóng băng khoảng một nửa số tiền bị ăn cắp và các cuộc điều tra khác vẫn đang tiếp diễn.

Ilana de Wild, Giám đốc phụ trách bộ phận Tội phạm mới nổi và có tổ chức (cơ quan trực thuộc Interpol), cho biết những kẻ lừa đảo qua Internet thường tăng cường khai thác tính chất không biên giới của Internet để nhắm vào những nạn nhân ở các quốc gia khác hay chuyển các khoản tiền phi pháp của họ ra nước ngoài. Cũng theo Ilana de Wild, kết quả bước đầu của chiến dịch HAECHI-I cho thấy tội phạm liên quan đến tài chính qua Internet về cơ bản có tính chất toàn cầu và chỉ qua hợp tác quốc tế chặt chẽ mới có thể ngăn chặn hiệu quả những tội phạm này.

LÊ PHI (Theo ZDNet, BleepingComputer)

Chia sẻ bài viết