02/07/2023 - 18:06

Indonesia phát triển thủ đô bền vững 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

Ðể giảm bớt rủi ro môi trường cùng hàng loạt mối đe dọa khác về lâu dài, Indonesia đang nỗ lực áp dụng mô hình “kinh tế tuần hoàn” trong tiến trình xây dựng thủ đô mới Nusantara với hy vọng biến nơi đây thành vùng đô thị xanh không chất thải trong tương lai.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một dịp giới thiệu về thủ đô mới Nusantara tại Singapore. Ảnh: Reuters

Khái niệm kinh tế tuần hoàn

Hoạt động ở các thành phố lớn góp phần đáng kể trong việc tạo ra khí thải carbon dioxide (CO2) trên toàn cầu, đồng thời tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và tạo ra nhiều chất thải. Nhưng nếu phong trào phát triển đô thị xanh và sạch được thúc đẩy hơn nữa, giới chuyên môn tin tưởng các thành phố sẽ đóng vai trò quan trọng tạo ra tương lai tích cực cho thế hệ tiếp theo.

Theo đó, các thành phố có thể giảm lượng khí thải, chất thải, thậm chí đánh bại ô nhiễm rác nhựa nếu quy hoạch và phát triển một cách bền vững. Hiện mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) được coi là một trong những cách tiếp cận toàn diện nhất dựa trên các nguyên tắc không phát thải và không lãng phí. Ðược biết, KTTH là hệ thống quản lý trong đó vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế nhưng các hoạt động sản xuất, dịch vụ được thiết kế theo hướng kéo dài tuổi thọ của vật chất; loại bỏ tác động tiêu cực của chất thải và khí thải đến môi trường. Ðây cũng là chủ trương của Indonesia trong mục tiêu xây dựng và phát triển thủ đô mới Nusantara.

Tầm nhìn xanh của quốc gia Đông Nam Á

Nằm giữa các khu rừng trên đảo Borneo, thủ đô mới Nusantara đã hoàn thiện 14% hạ tầng. Theo kế hoạch, thành phố sẽ khánh thành vào tháng 8-2024 và dân số dự kiến đạt 1,8 triệu người vào năm 2045. Một trong những điểm khiến các dự án ở Nusantara thu hút là tầm nhìn xanh theo mô hình KTTH mà Chính phủ Indonesia đang từng bước triển khai.

Trước tiên, thủ đô mới giữ lại phần lớn các khu bảo tồn rừng ở xung quanh. Ðể bảo vệ môi trường, thành phố sẽ triển khai một hệ thống quản lý toàn diện và trơn tru giữa các ưu tiên giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế vật liệu. Theo đó, 60% chất thải của Nusantara sẽ được tái chế vào năm 2045 và tất cả nguồn cung cấp nước được xử lý thông qua hệ thống thu hồi vào năm 2035. Bên cạnh giảm lượng chất thải và tiết kiệm nguồn nước, cách tiếp cận trên còn đảm bảo nhiều nguồn tài nguyên quý giá tái hòa nhập vào nền kinh tế.

Trọng tâm của mô hình KTTH là cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi cho nhà đầu tư và cộng đồng. Theo một nghiên cứu chung của Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (LHQ), áp dụng đầy đủ các nguyên tắc của mô hình KTTH trong các ngành công nghiệp chính như thực phẩm và đồ uống; dệt may, thương mại bán buôn và bán lẻ; xây dựng và điện tử có thể tạo ra 4,4 triệu việc làm ở Indonesia và tăng sản lượng kinh tế của đất nước thêm 45 tỉ USD vào năm 2030. Xét trên những lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc làm và môi trường, các nhà quan sát dự báo mô hình KTTH sẽ tiếp tục thu hút các nhà máy, doanh nhân và giới đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng xanh ở Nusantara, củng cố thêm vị thế của thủ đô mới với tư cách dự án tiên phong trong phát triển đô thị bền vững.

Ðể hiện thực hóa điều này, Chính phủ Indonesia dự kiến có các chính sách khuyến khích đầu tư toàn diện, bao gồm miễn giảm thuế cho doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KTTH với thời gian có thể lên tới 30 năm. Ngoài ra, các tập đoàn tham gia nghiên cứu và phát triển hoặc nhà đầu tư áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và quản trị cũng được ưu ái thêm một số khoản khấu trừ thuế khác.

Một mô hình KTTH hiệu quả đồng thời đòi hỏi chính sách quản trị tốt. Vì vậy, ngay từ đầu, chính quyền sẽ xây dựng các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt để hỗ trợ các hoạt động bền vững của thành phố, đảm bảo doanh nghiệp và người dân tuân thủ các yêu cầu quản lý chất thải có trách nhiệm. Việc giám sát và đánh giá hệ thống quản lý chất thải của Nusantara sẽ được cải tiến liên tục để thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.

Sẽ là thành phố bền vững kiểu mẫu của thế giới

Không chỉ tạo ra một thành phố đẳng cấp thế giới cho tất cả mọi người, Indonesia hy vọng kế hoạch chi tiết đang phát triển của thủ đô Nusantara sẽ là điểm tham chiếu cho nhiều dự án lớn tương tự. Thậm chí, thành công từ cơ sở hạ tầng không chất thải, không khí thải của Nusantara có thể đóng vai trò như “chất xúc tác” để chống ô nhiễm nhựa trên quy mô quốc gia và toàn thế giới; thúc đẩy toàn cầu hướng tới các thành phố xanh, sạch và bền vững hơn.

Trong bối cảnh vòng đàm phán tiếp theo về ô nhiễm nhựa của LHQ sẽ diễn ra vào tháng 11, giới quan sát cho rằng các quốc gia nên coi nỗ lực của Indonesia như một hình mẫu để xúc tiến nền KTTH toàn diện. Nếu các thành phố trên toàn cầu nỗ lực làm theo, tầm nhìn về các trung tâm đô thị không rác thải nhựa sẽ trở nên khả thi hơn. Trong đó, chúng ta có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của hệ thống hiện tại, thúc đẩy đổi mới, xây dựng các mô hình kinh doanh sáng tạo, mở ra một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Chia sẻ bài viết