27/10/2011 - 14:41

Hội nghị thượng đỉnh EU và Eurozone:

Hy vọng mong manh

Thủ tướng Đức (giữa) vận động sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Eurozone. Ảnh: EPA

Hôm qua, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại một lần nữa nhóm họp tại “tổng hành dinh” ở Thủ đô Brussels của Bỉ nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài hơn 18 tháng qua tại cựu lục địa. Tuy nhiên, theo nhận định của báo Anh Guardian, với những bất đồng còn tồn tại giữa các nước EU trong và ngoài Eurozone, giới đầu tư chẳng đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh “kép” lần này.

Theo kế hoạch trước cuộc họp thượng đỉnh của EU và Eurozone diễn ra vào chiều hôm qua, các bộ trưởng tài chính EU (Ecofin) đáng lẽ phải có cuộc họp trù bị buổi sáng nhằm bàn chi tiết các biện pháp để trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao. Thế nhưng, với tư cách là chủ tịch luân phiên của EU và có trách nhiệm tổ chức cuộc họp này, Ba Lan đã quyết định hủy bỏ hội nghị Ecofin vì các bộ trưởng tài chính vẫn chưa chốt lại được những vấn đề cần thảo luận. Thay vào đó, theo hãng tin Anh Reuters, Ecofin có thể sẽ nhóm họp “trong những ngày tới” để bàn thảo những vấn đề chi tiết được các nhà lãnh đạo EU và Eurozone đồng ý trong hội nghị chiều 26-10.

Chủ đề thảo luận chính của Hội nghị thượng đỉnh EU và Eurozone là giảm nợ cho Hy Lạp, tái cấp vốn cho các ngân hàng khu vực, nâng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ 440 tỉ euro lên 2.000 tỉ euro và đặc biệt là cách thức mua trái phiếu Chính phủ Ý. Trước cuộc họp quan trọng lần này, Nội các của Thủ tướng Silvio Berlusconi đã thất bại trong việc đưa ra các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm trấn an các đối tác châu Âu không nên lo ngại về “núi” nợ công của Ý – điều đó có nghĩa nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này có thể cần sự hỗ trợ tài chính từ EFSF. Nếu phải “gánh” thêm “con nợ” 1.900 tỉ euro (120% GDP) này, không ít người lo ngại EFSF sẽ “quá tải”.

Ngoài “con nợ mới phát sinh” từ Ý, các nhà lãnh đạo châu Âu đối mặt với sự bất đồng công khai không chỉ giữa các nước EU trong và ngoài nhóm Eurozone mà ngay trong nội bộ các nước sử dụng đồng tiền chung euro, “tâm bão” của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, mà bất ngờ nhất là giữa “cặp bài trùng” Đức - Pháp. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tham gia nâng EFSF nhằm không để Đức “bao sân” và có cơ hội áp đặt các điều kiện cho vay có lợi cho nước mình. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn ECB chỉ tham gia mua trái phiếu của các nước đang có nguy cơ lâm vào khủng hoảng nợ công như Ý và Tây Ban Nha.

Cơ hội thành công của EU và Eurozone rõ ràng là rất mong manh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu vừa kiêm nhiệm thêm trọng trách Chủ tịch Eurozone, ông Herman Van Rompuy, tuyên bố sẽ không có hội nghị thượng đỉnh mới nào nữa của khu vực trong năm nay, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tranh thủ cuộc họp có ý nghĩa “sống còn” lần này để giải cứu Eurozone.

ĐỨC TRUNG
(Theo Guardian, Reuters, AFP)

Thủ tướng Đức (giữa) vận động sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Eurozone. Ảnh: EPA

Chia sẻ bài viết