13/07/2017 - 19:27

Huyền tích "Ông già Ba Tri"

* PHẠM THÀNH LONG

Năm 1742, năm Cảnh Hưng thứ 3, ở phủ Tư Nghĩa (nay là tỉnh Quảng Ngãi) vào mùa g ió Nam có một đoàn người xuống ghe bầu xuôi theo biển Đông vào khai hoang vùng đất Ngao Châu (nay là huyện Ba Tri, Bến Tre). Người dẫn đoàn người di cư ấy tên là Thái Hữu Xưa. Ông có mang theo người con là Thái Hữu Chư và người cháu nội là Thái Hữu Kiểm.

Đến năm Canh Thìn 1806, năm Minh Mạng thứ 5, cậu bé Kiểm ngày nào đã trở thành người đàn ông lực lưỡng, gan dạ và dũng cảm. Ông có công lớn trong việc thuyết phục hàng trăm hộ dân vùng miền Trung vào khai phá xứ hoang sơ, nê địa Ngao Châu. Từ đó ông được vua phong là Bác phẩm bá hộ, rồi Trùm trưởng, Trùm cả ở làng An Bình Đông (vùng thị trấn Ba Tri ngày nay). Chính ông đã làm nên huyền tích “Ông già Ba Tri” được truyền tụng trong dân gian.

Địa danh Ba Tri là đất “địa linh, nhân kiệt”. Có cụ Phan Thanh Giản làm quan đến chức Hiệp tá Đại học sĩ, nhậm chức Thượng thư bộ Hộ. Có cụ tú tài Nguyễn Đình Chiểu – một nhà thơ mù yêu nước – tác giả của truyện thơ Lục Vân Tiên nổi tiếng. Nhà giáo Võ Trường Toản - nhà giáo lớn của đất Nam bộ cũng được cụ Phan Thanh Giản đưa hài cốt về cải táng, yên nghỉ ở đây... Trùm cả Thái Hữu Kiểm đã làm rạng danh cho xứ này cũng không nhỏ.

Những ngày Nguyễn Ánh bôn tẩu, tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn vùng tả ngạn sông Hàm Luông và Cồn Đất, được một số người nuôi giấu như ông Trương Tấn Khương (thân phụ của Phó tướng Trương Tấn Bửu), rồi cai việc Hạc... Trong đó có Tri thâu Thái Hữu Chư và Trùm trưởng Thái Hữu Kiểm. Hàng ngày cha con của Thái Hữu Kiểm tận tụy mang cơm nước hầu phụng cho Nguyễn Ánh. Sau này ông được phong chức Trùm cả. Chẳng bao lâu đất đai ở nơi này được nhân dân khai phá rộng ra hàng ngàn mẫu. Thôn xóm cũng dần dần đi vào nền nếp. Trùm cả Kiểm đã lập chợ An Bình Đông, (còn gọi là chợ Trong) để tiện việc cho dân làng mua bán, trao đổi hàng hóa. Cụ còn huy động dân đắp hai con đường từ An Bình Đông đi Vĩnh Đức Trung và từ An Bình Đông đi Phú Lễ. Dân chúng các làng bên đến đây mua bán rất đông đúc. Các ghe thuyền chở phẩm vật ở khắp nơi đến tấp nập. Chẳng bao lâu nơi hoang sơ trở thành trung tâm thương mại sầm uất.

Trước đó ở làng An Hòa Tây, cách chợ An Bình Đông chừng 3km đã có chợ, gọi là chợ Ngoài. Nhưng khi lập chợ Trong thì chợ Ngoài mua bán thưa thớt dần. Tên Xã Hạc (không phải Cai việc Hạc) tức giận vì mất lợi nhuận và vì sĩ diện, đã sai dân làng đắp đập ngăn con rạch ở xã này để chắn lối, không cho ghe thuyền khách thương hồ từ sông Hàm Luông vào chợ Trong. Bất bình trước hành động ngang ngược của Xã Hạc, cụ Kiểm đã làm đơn, thuyết phục dân làng An Bình Đông đồng ký tên... rồi cùng dân làng lên huyện kiện. Quan huyện bênh vực tên Xã Hạc, đơn bị bác. Cụ Kiểm mang đơn lên phủ kiện tiếp. Cụ bị thất kiện với lý do: “Người ta đắp đập trong xã người ta mà kiện tụng cái gì?”.

Uất ức vì bọn huyện, phủ ăn của hối lộ đã xử ép mình, cụ Kiểm đã cương quyết đưa vụ bất chính kia ra đến triều đình.

Bấy giờ chẳng phải lúc mưa thuận gió hòa để có thuyền buồm từ Nam ra Quảng mà quá giang. Nóng lòng vì nỗi oan chưa được giải tỏa, cụ Kiểm bèn nhờ hai kỳ lão là Tham trưởng Nguyễn Văn Tới và Hương trưởng Lê Văn Lợi làm nhân chứng. Ba kỳ lão đã cơm đùm cơm gói và mang theo một số tiền cùng đi bộ ra Huế, sau sáu tháng vượt truông, băng suối qua hơn ngàn cây số. Thiếu cơm, khát nước phải nhờ vào bà con ven đường cho qua bữa rồi đi tiếp. Tuy nhiên, ba cụ vẫn có sức dẻo dai và bền chí. Cảm động trước tình cảnh đó, không ít người gặp trên đường đi khuyên ba cụ nên quay về vì rất nguy hiểm với nạn cướp bóc và thú dữ, chưa chắc đã thắng kiện. Song cụ Kiểm đặt niềm tin vào bậc anh minh, bảo rằng: “Lẽ phải sẽ thắng. Vua sẽ xử việc oan cho dân nhờ”.

Cuối cùng ba kỳ lão cũng đã tới kinh đô để đệ đơn lên vua Minh Mạng. Vua xem xong cảm phục trước ý chí của ba kỳ lão. Vua nghĩ lại trước kia, thời gian khổ của Tiên Vương lẫn trốn ở Đồng Nai rồi Ngao Châu được người dân ở đây hầu phụng cơm nước và bảo vệ rất trung thành. Nay ân nhân đến lúc hữu sự cần gặp mình, vua Minh Mạng cho gọi cụ Kiểm và hai kỳ lão cùng vào hầu để hỏi rõ ngọn ngành. Khi vua biết được lợi ích của dân làng An Bình Đông và quanh vùng bị Xã Hạc cậy quyền, cậy của xâm phạm, vua truyền: “Dù làng riêng nhưng rạch chung, phủ, huyện phải cho phá đập!”. Vua Minh Mạng thưởng cho ba kỳ lão một số tiền lộ phí và đoan chắc rằng khi ba người về đến làng thì đập sẽ được phá xong. Từ đó chợ Trong có tên là chợ Đập. Đương nhiên được thông thương, chợ Trong đã phồn vinh, sầm uất trở lại.

Từ hành vi cao đẹp phi thường ấy, cụ Kiểm được người đời tặng cho biệt danh “Ông già Ba Tri” với hàm ý cảm phục, nể vì. Trong sách “Sự tích xứ Ba Tri” của tác giả Thái Hữu Võ (cháu của cụ Thái Hữu

Kiểm), đăng trên Nam Kỳ Tuần Báo, Xuân Quí Dậu – 1943, có viết: “Trong khi đất Vĩnh Long thường nghe người ta gọi đùa kẻ nào già mà còn mạnh ăn và nhiều vợ là “Già Ba Tri”. Kinh lược sứ Phan Thanh Giản phải giảng đi giảng lại cho họ hiểu: “Già Ba Tri” là người già quắc thước, can đảm, là người có công sửa làng, lập chợ, mở đường, chớ không phải người già ăn nhiều hay lắm vợ”.

Trùm cả Thái Hữu Kiểm là một điển hình thời mở đất về sự cương trực, bản lĩnh, bất khuất trước cường quyền, đã đấu tranh vì công lý, đem lợi ích về cho dân làng. Từ đó thành ngữ “Ông già Ba Tri” trở thành danh chung để chỉ cốt cách của những tiền nhân xưa đi mở cõi phương Nam.

Hiện nay ngôi từ đường của dòng họ Thái Hữu, nằm bên con đường mang tên Thái Hữu Kiểm ở thị trấn Ba Tri. Không ít khách du lịch mến ngưỡng “cái tính cách ấy” đã không ngại xa xôi về đây đốt nén nhang, tỏ lòng thành với người xưa đầy khí phách.

.................

(Qua lời kể của ông Thái Hữu Duyệt, hậu duệ đời thứ sáu, ông Thái Hữu Chí hậu duệ đời thứ bảy của cụ Thái Hữu Kiểm và một số tư liệu khác).

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
di sản