16/10/2016 - 09:17

Huy động mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội

(CT) – Ngày 15-10-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2016-2020. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, ông Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ; ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, dự Hội nghị.

Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã bố trí tổng nguồn lực thực hiện Chương trình trên 47.339 tỉ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù. Tổng nguồn vốn bố trí thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo là 59.245 tỉ đồng. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2015), bình quân giảm 2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo thời gian qua còn một số khó khăn, thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; hạn chế nguồn lực thực hiện chính sách và chương trình chưa đáp ứng nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời chưa khơi dậy tiềm năng, thế mạnh địa phương, sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân và cộng đồng cùng vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2016-2020, cả nước phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Đồng thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Tổng kinh phí bố trí thực hiện chương trình 48.397 tỉ đồng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả giảm nghèo, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý để các địa phương vận dụng, học hỏi. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Một số địa phương chưa triển khai tốt, chưa vận dụng sáng tạo, hiệu quả chủ trương, chính sách giảm nghèo. Chính sách còn chồng chéo, chưa khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, thu hút sự tham gia của người dân, cộng đồng trong thực hiện chương trình. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, để tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%-1,5%/năm, các ngành, các cấp phải chung sức, đồng lòng, đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, mang lợi ích thiết thực cho người nghèo; chú trọng các chính sách khuyến khích tính chủ động, vươn lên của hộ nghèo. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường; lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo và vươn lên làm giàu; kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, cá nhân nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát; huy động thêm các nguồn lực xã hội, cộng đồng để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau", chỉ đạo các địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đồng thời giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết