25/01/2011 - 22:15

Hương vị Tết miền Bắc ở Cần Thơ

Hiện tại, không khí mua sắm Tết ở TP Cần Thơ đã bắt đầu. Tại các gian hàng bán đặc sản Tết miền Bắc phục vụ cho bà con người Bắc sinh sống, làm việc, học tập... trong Nam cũng sôi động không kém. Dù xa quê nhưng họ vẫn có thể hưởng một cái Tết khá trọn vẹn, với những sản phẩm được làm từ chính quê hương mình...

Đa dạng mặt hàng phục vụ Tết

Từ rất sớm (đầu tháng 11 âm lịch), thị trường các sản phẩm phục vụ Tết có nguồn gốc từ miền Bắc (Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn...) đã “khởi động”, bởi hàng hóa vận chuyển vào Nam còn phải qua khâu phân phối ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ở TP Cần Thơ, tại hầu hết các chợ, cửa hàng, siêu thị... đều bày bán các sản phẩm có nguồn gốc miền Bắc, tập trung nhiều nhất ở chợ An Hòa (đường Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Ninh Kiều).

Khách hàng mua sắm Tết tại Cơ sở Trường Thạch, số 88A, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Những đặc sản miền Bắc phục vụ dịp Tết Tân Mão đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nhiều mức giá để khách hàng lựa chọn. Chẳng hạn, nhóm quà biếu như nhang trầm, nhang quế (Hà Nội, Thái Bình) giá từ 3.000 - 6.000 đồng/1 bó 30 cây; bánh đậu xanh Minh Ngọc (Hải Dương) từ 10.000 - 65.000 đồng/hộp, bánh cáy (Thái Bình) 25.000 đồng/hộp 300 gram, bánh cốm (Hà Nội) 4.000 - 6.000 đồng/chiếc; trà Tân Cương Thái Nguyên 70.000 - 250.000 đồng/kg; các loại mứt (sen, ô mai, đào, hồng, sấu, mận...) 100.000 - 120.000 đồng/kg. Nhóm thực phẩm, bánh chưng 130.000 - 150.000 đồng/1 cặp 2 kg; dưa hành 15.000 đồng/hũ 300 gram; các loại chả như chả lụa 120.000 - 150.000 đồng/kg, chả đầu 150.000 - 180.000 đồng/kg, chả bò 180.000 - 200.000 đồng/kg, chả quế 120.000 - 150.000 đồng/kg; măng các loại (nứa, vầu, lưỡi lợn) 120.000 - 300.000 đồng/kg; miến dong 30.000 - 50.000 đồng/kg; bánh tráng (Hà Nội) 4.000 - 10.000 đồng/100 bánh... Nhóm nguyên liệu, nếp Cái Hoa Vàng 35.000 đồng/kg; đậu xanh loại I 42.000 đồng/kg; củ hành 40.000 đồng/kg...

Những năm gần đây, Tết đến, không chỉ người Bắc mới tìm mua thực phẩm đặc sản miền Bắc. Một tiểu thương ở chợ An Hòa (đường Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều), cho biết: “Thực phẩm Bắc đã trở nên quen thuộc với người dân mọi miền đất nước. Chẳng hạn, khoai tây đưa từ Bắc vào được khách hàng ưa chuộng vì ruột vàng ươm và ăn rất dẻo”. Chị Nguyễn Thị Lài (phường An Khánh, quận Ninh Kiều), vui vẻ nói: “Tôi người Nam nhưng chồng tôi là người Bắc. Lúc đầu ăn món Bắc thấy lạ, dần dần quen, thấy ngon, rồi thích luôn”.

“Ấm lòng” dù xa quê

Ông Đặng Hùng Trường (Ba Trường), một trong những người đầu tiên có ý tưởng kinh doanh đặc sản miền Bắc ở TP Cần Thơ, tâm sự: “Tôi có “gốc” từ bộ đội, vào miền Nam năm 1977. Khoảng thời gian đó, Tết đến, mong uống được tách trà, ăn miếng bánh chưng, ngửi hương nhang trầm, nhang quế... những thứ thật bình thường cho đỡ nhớ quê nhưng rất khó”. Đó không chỉ là tâm trạng của ông Ba Trường mà là tâm trạng chung của những người con đất Bắc đang sống trong Nam mỗi khi xuân về. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng mở một cửa hàng chuyên kinh doanh các đặc sản miền Bắc. Năm 1986, cơ sở Trường Thạch (số 88A, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Ninh Kiều) ra đời. Ông Ba Trường cho biết: “Những năm ấy, việc vận chuyển hàng gặp nhiều khó khăn. Bây giờ, phương tiện liên lạc hiện đại, đường sá thông suốt từ Bắc chí Nam, nên mỗi khi Tết đến, hễ ngoài Bắc có thứ gì thì trong Nam có thứ ấy!”. Hiện tại, cơ sở Trường Thạch là một trong những đại lý phân phối sản phẩm có nguồn gốc Bắc lớn nhất TP Cần Thơ. Hằng năm, cơ sở phân phối hàng tấn trà, hàng ngàn hộp bánh đậu xanh và nhiều loại thực phẩm khác ra khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở miền Bắc, Tết đến, bánh chưng là món ăn không thể thiếu. Vì thế, dù sống trong Nam, đa phần người Bắc vẫn giữ tục gói bánh chưng mỗi khi xuân về. Bánh chưng được “ra lò” trong Nam nhưng hình thức và hương vị không khác gì bánh ngoài Bắc. Vì qui trình gói bánh vẫn được đảm bảo và các nguyên liệu từ gạo nếp, lá dong đến lạt buột... đều từ Bắc chuyển vào. Cô Nguyễn Thị Viễn (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chia sẻ: “Khu cô sống đa phần là người Bắc, năm nào cũng vậy, khoảng 27 - 28 Tết là cả xóm cùng gói bánh chưng rồi đem ra trước sân luộc đến tận khuya”.

Ngày nay, nhờ vào sự phát triển của ngành giao thông nên việc vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam rất nhanh chóng, dễ dàng. Vì vậy, hàng hóa vào tận trong Nam vẫn giữ được nguyên màu sắc và hương vị. Từ những thực phẩm khô như măng, miến, mộc nhĩ, các loại mứt... đến thực phẩm tươi: bắp cải, su hào, khoai tây, măng chua; từ loại có thời gian bảo quản dài: trà, rượu, gạo nếp... đến loại có thời gian bảo quản ngắn như bánh cốm, bánh gai. Anh Hoàng Đăng Tuyên (phường Ba Láng, quận Cái Răng), nhận xét: “Tuy không có hoa đào, thời tiết không lạnh nhưng những thứ căn bản của một cái Tết Bắc như bánh chưng, măng, miến, dưa hành, trà... trong Nam đều có cả. Điều này khiến chúng tôi rất ấm lòng, dù xa quê đã nhiều năm”.

Nhìn chung, tuy năm nay vật giá tăng, thời tiết thất thường, khâu vận chuyển và bảo quản hàng hóa từ Bắc vào Nam khá công phu nhưng không vì thế mà những đặc sản ngày Tết của miền Bắc vắng bóng, trái lại còn đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả để khách hàng lựa chọn. Chính vì vậy mà bà con người Bắc sinh sống trong Nam cũng không quá khó khăn để hưởng một cái Tết trọn vẹn, với những sản phẩm mang đậm hương vị quê nhà...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết