23/12/2019 - 22:57

Hướng đến mục tiêu phát triển cây ăn trái bền vững 

Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây ăn trái ở nước ta đã liên tục tăng mạnh, nhất là tại các tỉnh, thành Nam bộ. Vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ có khoảng 600.000 héc-ta cây ăn trái, với sản lượng trên 6,6 triệu tấn/năm, trong đó ĐBSCL chiếm khoảng 60% diện tích. Tuy nhiên, diện tích cây ăn trái còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung. Các cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất cây ăn trái cũng hạn chế và ít doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nên phải bán trái cây cho thương lái với giá trôi nổi theo thị trường...

Quy mô nhỏ lẻ

Sơ chế, đóng gói bưởi da xanh tại Cơ sở Hương Miền Tây ở tỉnh Bến Tre.

Ông Nguyễn Văn Triều, nông dân trồng nhãn ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, tâm sự: “Nông dân trồng cây ăn trái rất mong Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thủy lợi để đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ trồng cây ăn trái vì hệ thống thủy lợi tại nhiều nơi chỉ phục vụ canh tác lúa. Đầu ra trái nhãn còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, chúng tôi rất mong có doanh nghiệp tham gia bao tiêu để ổn định đầu ra”.

Trồng cây ăn trái theo dạng nhỏ lẻ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng; nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu kiểm dịch an toàn từ các nước nhập khẩu. Nguyên nhân do việc áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, quản lý dịch bệnh, thu hoạch, bảo quản và chế biến trái cây còn hạn chế và chưa đồng bộ giữa các nông hộ. Diện tích, sản lượng trái cây đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn an toàn và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), cũng như được cấp mã số vùng trồng còn rất khiêm tốn so với tổng diện tích trồng và sản lượng trái, làm hạn chế việc ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt, trái cây được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu ở dạng tươi thô, không thể để lâu, số lượng trái cây chế biến còn hạn chế (mới chiếm khoảng trên dưới 10%) nên chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng và dễ đối mặt với cảnh “rộ mùa, rớt giá”.

Tiềm năng phát triển cây ăn trái ở nước ta được đánh giá còn rất lớn, nhất là tại ĐBSCL và các tỉnh, thành ở Nam Bộ nói chung. Song, muốn phát triển sản xuất cây ăn trái hiệu quả và bền vững lâu dài, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần quan tâm tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi, với sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ. Tăng cường công tác thông tin thị trường, hướng dẫn nông dân trồng mới, cũng như chuyển đổi từ những loại cây ăn trái kém hiệu quả sang các loại cây hiệu quả hơn, có lợi thế xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, phù hợp điều kiện sản xuất từng địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu.

Liên kết, mở rộng diện tích

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cho rằng, nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới được dự báo tiếp tục tăng cao thời gian tới. Đây có thể coi là cơ hội cho nước ta mở rộng sản xuất và tiêu thụ trái cây, phát triển xuất khẩu sang các thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Vì vậy, việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cây ăn trái là vấn đề cấp bách, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Từng địa phương nên chọn một số chủng loại cây ăn trái chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân liên kết với nhau tổ chức sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng vùng trồng tập trung chuyên canh. Đặc biệt, cần phát huy vai trò các hợp tác xã kiểu mới trong liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ.

Sản xuất trái cây và nông sản nói chung hiện nay không chỉ dừng lại ở tiêu thụ tại nội địa mà còn phải vươn ra được thị trường thế giới. Ông Trần Thế Như Hiệp, Giám đốc truyền thông - marketing, Công ty TNHH công nghệ Nho Nho, cho rằng: “Cần quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất trái cây đạt các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường. Chúng ta cần có hệ thống các giải pháp đan xen nhau, có cả các giải pháp về liên kết, đổi mới công nghệ, tài chính, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của các bên liên quan… Đặc biệt, nông dân cần ghi chép nhật ký sản xuất và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt: VietGAP, Global GAP, sản xuất hữu cơ… để sản phẩm đảm bảo an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc”.

Với vai trò là nơi tổ chức sản xuất và bố trí các hoạt động trong sản xuất, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý vùng trồng, điều chỉnh lại các hoạt động sản xuất cây ăn trái nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, không chỉ đối với cây ăn trái mà trong sản xuất nông nghiệp nói chung muốn đạt tốt mục tiêu tăng trưởng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cần khởi đầu bằng việc ghi chép nhật ký sản xuất. Nông dân muốn gắn kết tốt cùng doanh nghiệp để cạnh tranh với các quốc gia khác có những mặt hàng tương tự, cũng cần phải ghi chép nhật ký để biết giá thành sản xuất, chủ động thương lượng với nhau. Tạo ra giá bán sản phẩm đôi bên cùng có lợi và có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Cục Trồng trọt đã ban hành sổ tay hướng dân nông dân ghi nhật ký canh tác cây ăn trái theo hướng đạt các tiêu chí an toàn. Bước đầu đã in 4.000/100.000 quyển sổ tay theo kế hoạch để phát cho nông dân và cấp cho ngành nông nghiệp mỗi tỉnh, thành từ 50-100 quyển nhằm tuyên truyền, phổ biến đến nông dân.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết