Với mục tiêu "Hợp tác-Hội nhập-Phát triển", nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP Cần Thơ năng động liên kết hợp tác sản xuất để tạo ra nguồn hàng phong phú với quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, đáp ứng nhu cầu và tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Song, muốn tạo bước đột phá mới, các tổ hợp tác, HTX rất cần "bệ đỡ" từ các ngành chức năng trong liên kết hợp tác gắn sản xuất và tiêu thụ, để các HTX chuyển mình đi lên, phát triển ổn định và bền vững trong bối cảnh hội nhập.
Bước chuyển mới
Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Nhiệm kỳ IV (từ năm 2011-2016), Liên minh HTX thành phố đã phát huy vai trò liên kết hợp tác, hỗ trợ thành viên sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong đó, Liên minh HTX thành phố hỗ trợ cho 22 HTX nông nghiệp về trang thiết bị, vốn, đăng ký thương hiệu, tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, hỗ trợ 10 HTX nông nghiệp tham gia "Dự án xây dựng hiệp hội kinh doanh hiệu quả vì sự phát triển năng động và công bằng ở Việt Nam"; tổ chức chương trình kết nối thương mại, quảng bá sản phẩm cho nhiều HTX trái cây, hàng tiểu thủ công. Hiện toàn thành phố có 1.350 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái, nuôi thủy sản
Trong nhiệm kỳ IV, có khoảng 32 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đã chuyển sang thành lập HTX, nâng tổng số HTX của thành phố là 222 HTX, tăng 12 HTX so với nhiệm kỳ trước. Nhiều HTX trong lĩnh vực sản xuất lúa giống, thủy sản, rau màu đã và đang tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần đáp ứng nhu cầu và lợi ích của thành viên, nhất là nông dân tham gia vào các HTX. Nhiều HTX tiêu biểu sản xuất hàng hóa lớn, có nhãn hiệu hàng hóa và hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, có doanh thu lớn.
|
Dịch vụ thu hoạch lúa của Hợp tác xã Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: T.L |
Cột mốc đánh dấu sự thay đổi về mặt bản chất hoạt động của HTX là sự ra đời của Luật HTX năm 2012, giúp các HTX chuyển mình đi lên, phát huy sức mạnh gắn kết cùng nhau hợp tác phát triển giữa các thành viên với nhau. Đến nay, thành phố có 79 HTX tổ chức chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã góp phần nâng chất hoạt động cho các HTX trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, các thành viên trong HTX đã thể hiện sự đồng lòng, liên kết hợp tác ngày càng hiệu quả. Nhiều HTX đã ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng nguyên liệu, dịch vụ cho HTX sản xuất kinh doanh vừa tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho các HTX.
Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: HTX được hình thành với mục tiêu liên kết các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ tham gia sản xuất theo mô hình "cánh đồng lớn", cùng sản xuất một loại giống, giảm thất thoát và chi phí sản xuất, nhất là tạo nguồn hàng lớn để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp. Đồng thời, HTX định hướng sản xuất lúa an toàn theo quy trình GlobalGAP, phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân trồng lúa. Hiện HTX Khiết Tâm cung cấp 6 dịch vụ cho các thành viên sản xuất lúa chất lượng cao, có hợp đồng bao tiêu lúa trên diện tích 300ha với doanh nghiệp. Vụ hè thu năm 2015, HTX sản xuất giống lúa OM5451 với năng suất đạt trên 6,8 tấn/ha, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn bên ngoài khoảng 2,3 triệu đồng/ha. Các điển hình trong sản xuất lúa giống còn có HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, bảo quản và tiêu thụ lúa giống với sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm; HTX Thủy sản Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh), HTX Thới An (quận Ô Môn) sản xuất và tiêu thụ cá tra với doanh số đạt hằng năm vài trăm tỉ đồng. Ngoài ra, có nhiều HTX chuyên canh rau an toàn như: Long Tuyền, Hòa Phát; HTX hoa kiểng Bình An, HTX chuyên canh vườn cây ăn trái kết hợp kinh tế vườn với du lịch. Nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp, như: HTX Kim Hưng (quận Cái Răng), HTX Quốc Noãn (huyện Thới Lai), HTX Đan lọp tép Thành Công (quận Ô Môn) hoạt động có hiệu quả, góp phần duy trì phát triển làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động vùng nông thôn.
Hội nhập và phát triển
Phát biểu tại Đại hội lần V (nhiệm kỳ 2016-2021) của Liên minh HTX TP Cần Thơ, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ảnh hưởng của môi trường kinh doanh đối với sự phát triển bền vững của mô hình HTX ngày càng lớn. Vì vậy, yếu tố căn bản giúp HTX tồn tại và phát triển bền vững là chủ động nâng cao trình độ quản lý, điều hành HTX; tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, định hướng hoạt động kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Trong điều kiện hiện nay, các HTX cần phát huy được tính năng động, sáng tạo của các thành viên để vượt qua những thách thức, tiếp tục nâng cao tính chủ động của các thành viên trong mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung, phát triển HTX ngày càng bền vững trong bối cảnh hội nhập. Song song đó, chính quyền các cấp ở các địa phương cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển HTX, nhất là các HTX sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: lúa gạo, thủy sản và trái cây. Đây chính là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Do đó, Liên minh HTX TP Cần Thơ và các ngành hữu quan thành phố cần tập trung công tác tập huấn nâng cao trình độ quản lý cho các HTX; tăng cường đầu tư và chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cao. Song song đó, các ngành các cấp phát huy vai trò trong hỗ trợ về vốn và thị trường tiêu thụ cho các HTX, nhất là thực hiện các hỗ trợ liên kết sản xuất gắn tiêu thụ cho các HTX, để tăng gia trị gia tăng và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của các mặt hàng nông nghiệp chủ lực. Từ đó, góp phần thực hiện tối đa hóa lợi ích của xã viên HTX, xây dựng và phát triển HTX ngày càng bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, với chủ đề "Hợp tác-Hội nhập-Phát triển", nhiệm kỳ V (2016-2021) Liên minh HTX thành phố tiếp tục đẩy mạnh vận động thành lập tổ hợp tác mới, phấn đấu đến 2020 đạt 1.750 tổ hợp tác; mỗi quận, huyện có từ 5-10 tổ hợp tác điển hình tiên tiến trở lên. Ngoài ra, nâng tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho thành viên, xây dựng 30 mô hình HTX điển hình tiên tiến; mỗi lĩnh vực hoạt động đều có HTX điển hình tiên tiến. Tổ chức tập huấn cán bộ HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng kinh tế, giúp HTX nâng cao năng lực, chủ động tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị sản phẩm
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng và phát triển mô hình liên hiệp HTX, thúc đẩy xây dựng mô hình HTX kiểu mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cải thiện đời sống của thành viên và người lao động trong HTX. Mỗi quận, huyện chọn lựa xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp trong cánh đồng lớn, vùng qui hoạch chuyên canh tại các xã xây dựng nông thôn mới, mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, vận động các HTX tham gia các chương trình, đề án xây dựng mô hình HTX kiểu mới ở ĐBSCL.
Mỹ Hoa
Ông Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng: Phát triển HTX cần chú trọng cả chất và lượng, nhất là tập trung nâng cao hiệu quả hợp tác trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản. Xây dựng và phát triển hoàn thiện HTX kiểu mới, gắn sản xuất với tiêu thụ; quan tâm đào tạo cho cán bộ quản lý HTX về tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm
Phát huy vai trò cầu nối, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa các HTX với các tổ chức kinh tế. Tiếp tục nhân rộng các HTX điển hình tiên tiến. Song song đó, Liên minh HTX thành phố hỗ trợ các HTX phát huy hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo phương châm “Hợp tác-Hội nhập- Phát triển”, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. |