25/11/2013 - 23:49

Hướng đến đô thị xanh, bền vững

Phát triển đô thị là động lực để phát triển kinh tế-xã hội của mỗi khu vực, mỗi vùng miền, mỗi địa phương và là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. ĐBSCL là vùng kinh tế đầy tiềm năng, song quá trình phát triển của vùng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong phát triển đô thị. Phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững đang là thách thức lớn của vùng.

Diện mạo đô thị đang thay đổi

Trong chuỗi sự kiện MDEC- Vĩnh Long 2013 khai mạc ngày 25-11 tại tỉnh Vĩnh Long có nhiều chuỗi sự kiện quan trọng, thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp,… đến tham dự để cùng hiến kế, giúp ĐBSCL phát triển. Tại Hội nghị phát triển đô thị vùng ĐBSCL chiều 25-11, các đại biểu đến tham dự cùng nhận định: Cần tư duy mới để tiếp cận, nghiên cứu làm thay đổi diện mạo đô thị vùng ĐSBCL. Hội nghị do Bộ Xây dựng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức.

Các tỉnh, thành ĐBSCL cần hướng đến đô thị xanh, bền vững. Trong ảnh: Một góc đô thị TP Cần Thơ - đô thị lớn trung tâm vùng ĐBSCL. Ảnh: ANH KHOA

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: ĐBSCL được xác định là một trong 6 vùng đô thị hóa cơ bản của cả nước. Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao. Khu vực đô thị vùng ĐBSCL đã có nhiều thay đổi về diện mạo, kiến trúc cảnh quan theo hướng hiện đại, có bản sắc. Đến nay, toàn vùng đã có 158 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 3 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V.

Theo Quyết định số 1581/QĐ-TTg (ngày 9-10-2009) của Thủ tướng Chính phủ về phê quyệt Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, phát triển cấu trúc không gian toàn vùng áp dụng mô hình đa cực tập trung với Cần Thơ là đô thị hạt nhân kết hợp các hành lang kinh tế, cụm các đô thị trung tâm và các đô thị nhỏ được phân bố đều dựa trên các vùng nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng theo hướng liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị trung tâm và các trục hành lang kinh tế đô thị; phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng dịch vụ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại gắn với đặc thù từng vùng. Phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa; hình thành các trục hành lang kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực cho các tỉnh phát triển nhanh và bền vững; phát triển các vùng du lịch, các trung tâm du lịch tầm quốc tế, quốc gia gắn với đặc trưng văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên, liên kết phát triển với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay đã hình thành các vùng và hành lang phát triển không gian theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Trong đó, các vùng đô thị trung tâm – đô thị hạt nhân là TP Cần Thơ với các đô thị vệ tinh độc lập là TP Long Xuyên, Cao Lãnh và Vĩnh Long. Vùng phụ cận bao gồm các đô thị Ô Môn, Cái Răng (thuộc TP Cần Thơ), An Phú, Phú Hội (thuộc TP Long Xuyên), Mỹ Thọ, Thanh Bình (thuộc tỉnh Đồng Tháp)… Vùng đối trọng với các đô thị tỉnh lỵ Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Vị Thanh, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Bến Tre…

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những thành tựu đạt được trong phát triển đô thị của vùng ĐBSCL đáng trân trọng. "Tuy nhiên, đô thị ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức cần được tiếp cận, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khoa học và toàn diện. Mạng lưới đô thị tuy bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng nhưng liên kết giữa các đô thị trong vùng chưa đồng đều và chặt chẽ"- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định. Theo Thứ trưởng, liên kết giữa các đô thị chỉ mới thể hiện qua công tác quy hoạch, chất lượng từng đô thị chưa thực sự đáp ứng được thực tế và mục tiêu quy hoạch đề ra… Do vậy, cần tầm nhìn mới trong phát triển đô thị của vùng, đáp ứng các định hướng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững. ĐBSCL cần tiếp tục kiên trì nguyên tắc: quản lý và phát triển đô thị phải phù hợp quy hoạch đô thị.

Cần tư duy tiếp cận mới

Đảm bảo sự hài hòa trong phát triển đô thị là thách thức lớn đang đặt ra cho ĐBSCL. Giải quyết vấn đề này cần tư tuy mới trong tiếp cận, nghiên cứu các giải pháp, chính sách phát triển… Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN- HABITAT Việt Nam (Chương trình Định cư Con người Liên Hiệp Quốc), nêu nhận định: Các giá trị tự nhiên và hệ sinh thái của vùng đã chịu ảnh hưởng đáng kể của sự gia tăng nhanh về dân số, phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong vài thập kỷ qua. Sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị cũng làm biến dạng nhiều khu vực đất đai màu mỡ của vùng. Biến đổi khí hậu đang gia tăng làm cho những thách thức về đô thị hóa trong vùng ĐBSCL trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, các nội dung về tăng trưởng xanh có thể là khởi đầu cho các đối thoại chính sách ở cấp vùng, bao gồm: các chủ đề về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thích ứng biến đổi khí hậu, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng xanh cấp vùng, phát triển công nghiệp xanh, sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển nông nghiệp xanh và liên kết đô thị nông thôn. Nguồn lực cho nghiên cứu và nâng cao năng lực quy hoạch chiến lược vùng hướng tới tăng trưởng xanh có thể được huy động từ các nhà tài trợ quốc tế thông qua hỗ trợ kỹ thuật, huy động sự đóng góp của các tỉnh và các nhà đầu tư tư nhân, những người được hưởng lợi trong quá trình quy hoạch vùng.

Theo ông Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), ĐBSCL có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển một nền kinh tế xanh. Muốn phát triển kinh tế xanh, bền vững thì quy hoạch xây dựng của vùng phải đảm bảo các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng dựa trên cơ sở xác định hệ thống đô thị phù hợp. Trong quy hoạch phải đảm bảo sự cân bằng về hệ Địa- kinh tế- Sinh thái trong cấu túc đô thị; tôn trọng "cấu túc đô thị nước"; chủ động "dành chỗ cho nước", phải có thêm ý tưởng về quy hoạch nước trong quy hoạch xây dựng; lồng ghép giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với giải pháp quản lý nước.

KHÁNH TRUNG- ANH KHOA

 

Chia sẻ bài viết