11/05/2010 - 21:31

Đầu tư hệ thống thủy lợi tại ĐBSCL

Hướng đến đa mục tiêu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Là vựa nông sản của cả nước, hai mặt hàng thủy sản và lúa gạo đóng góp hằng năm trên 1 tỉ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung cả nước, nhưng ĐBSCL đang bộc lộ rất nhiều yếu kém trong quá trình phát triển. Việc đầu tư cho vùng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học cho rằng cần quy hoạch hệ thống thủy lợi ĐBSCL với cách nhìn tổng thể, khoa học và tính đến yếu tố biến đổi khí hậu (BĐKH).

* Bài học quy hoạch

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT), hơn 30 năm qua, với nguồn vốn hàng chục ngàn tỉ đồng huy động từ Trung ương, địa phương và người dân, ĐBSCL đã có hệ thống công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Toàn vùng hiện có trên 4.430km kênh trục và kênh cấp I, hơn 6.000km kênh cấp II, trên 200 trạm bơm điện lớn và vừa, cùng hàng vạn trạm bơm tưới tiêu nhỏ với năng lực tưới khoảng 23.380 ha. Còn hệ thống đê bao kiểm soát lũ, toàn vùng có khoảng 7.000km bờ bao chống lũ vào tháng 8 để bảo vệ lúa hè thu, đã xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và 7.000 km bờ bao ven rạch nội đồng để ngăn mặn cho vùng biển; cùng với một số công trình kiểm soát lũ ra biển Tây (tuyến đê biển Rạch Giá- Ba Hòn dài 75km, 23 cống ven biển Tây; cụm công trình dọc biên giới, 38 cửa thoát lũ trên QL80...). Khoảng 40% dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh...

 Hệ thống kênh thủy lợi ở vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) đang bị thiếu nước trong mùa khô 2010.
 Ảnh: T.NGUYỄN

Tuy nhiên, ĐBSCL cũng luôn đối mặt với những hạn chế trong điều kiện tự nhiên tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội như: hằng năm, lũ lụt đầu nguồn đã làm ngập 1,9 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn trên 1,4 triệu ha vùng ven biển, thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển. Tình trạng xói lở bờ sông, ô nhiễm nguồn nước mặt, mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng...

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 84/2006/QĐ-TTg (ngày 19-4-2006) về việc phê duyệt “Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020” và kèm theo danh mục công trình thủy lợi giai đoạn đến năm 2010 và 2020. Giai đoạn 2006-2010, ưu tiên đầu tư 79 công trình, chủ yếu giải quyết những vấn đề cấp bách về thủy lợi tại các địa phương như: kiểm soát lũ, tưới tiêu, cấp nước, ngăn mặn, phòng chống sạt lở, nuôi trồng thủy sản... Theo đó, vùng Đồng Tháp Mười gồm 27 công trình, Tứ giác Long Xuyên 16 công trình, bán đảo Cà Mau 27 công trình và vùng giữa sông Tiền - sông Hậu 9 công trình. Bộ NN&PTNT quản lý 14 công trình, còn lại 65 công trình do địa phương quản lý; nguồn vốn Trung ương 33%, các tỉnh quản lý 67%... Cuối tháng 4-2010, tại hội thảo “Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL” ở TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học đều đưa ra nhận định chung: ĐBSCL hội nhập nhanh nhưng kém bền vững. Trong đó có yếu tố các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, thoát nước... chưa theo kịp nhu cầu phát triển và bộc lộ nhiều bất cập.

Theo nhận xét của một vị lãnh đạo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, chỉ còn vài tháng nữa là hết năm 2010, nhưng theo Quyết định 84, các công trình thủy lợi do Trung ương và địa phương quản lý kết quả thực hiện đạt rất thấp, mới có 3/79 công trình, dự án hoàn thành (chiếm 4%), chủ yếu là công trình kè bảo vệ thành phố, thị trấn, thị xã (kè Gành Hào, kè Vị Thanh...); các công trình đang triển khai đa phần là nâng cấp, nạo vét kênh mương. Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả đầu tư các công trình thủy lợi theo Quyết định 84, dù những công trình, dự án này là phù hợp với yêu cầu phát triển thực tế của vùng. Ngoài ra, một số công trình được ghi trong danh mục chưa thực sự cần thiết hoặc bố trí giai đoạn chưa phù hợp (như các công trình thủy lợi Mỹ Thái- Mười Châu Phú, Kiên Hảo- Núi Chóc Năng Gù, Nguyễn Văn Tiếp B...). Điều này cho thấy việc thu thập tài liệu cơ bản trong bước lập quy hoạch là hết sức quan trọng. Thời gian qua, do nguồn vốn bố trí cho quy hoạch thường thấp, nhiều yêu cầu về khảo sát, đo đạc không được bố trí (hoặc cắt bớt vốn) làm cho việc lập quy hoạch không đủ tài liệu để đánh giá, tính toán. Tất cả các công trình theo Quyết định 84 đều có nguồn vốn ước thấp hơn rất nhiều so với bước duyệt dự án đầu tư, chỉ bằng 25-30%, thậm chí 10% so với vốn duyệt dự án đầu tư (kè thị xã Vị Thanh, dự án Bảo Định giai đoạn 2...). Mặt khác, giá vật tư, nhân công, đền bù giải tỏa đều có mức tăng 2 lần so với thời kỳ lập dự án, một số công trình phải thay đổi thiết kế, thêm hạng mục cũng đội vốn đầu tư lên đáng kể.

* Quy hoạch cần “tính đúng, tính đủ”

Hiện nay, phần lớn các tỉnh trong vùng ĐBSCL đều định hướng giảm dần cơ cấu lao động trong nông nghiệp, gia tăng lao động công nghiệp, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, nhưng những bước đi, cũng như lộ trình chưa phù hợp với nhịp độ, nhu cầu phát triển chung. GS.TS Phạm Văn Biên, nguyên Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nêu quan điểm: “Để giảm cơ cấu lao động của ngành nông nghiệp xuống dưới mức 50%, các nước phát triển phải mất 20-30 năm, do vậy, Việt Nam cũng cần thời gian rất dài. Nên công tác quy hoạch, phát triển vùng ĐBSCL trong tương lai cần tính đến yếu tố BĐKH, ngành tài nguyên- môi trường, khí tượng thủy văn cần đưa thông tin về biến đổi khí hậu rộng rãi ra công chúng để lãnh đạo, người dân địa phương cùng tham gia”. BĐKH là chuyện hôm nay, chứ không phải của tương lai, phải có giải pháp thông minh để ứng phó ngay từ bây giờ. Bằng chứng là vụ lúa đông xuân vừa rồi, Bạc Liêu, Sóc Trăng phải nghĩ đến chuyện bơm nước cứu lúa - bỏ tôm...

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống thủy lợi góp phần quan trọng trong sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, giải pháp kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ở ĐBSCL chưa xem xét một cách đầy đủ cơ cấu sản xuất và sự kết hợp giữa thủy lợi, dân cư, cơ sở hạ tầng, nhất là phục vụ nuôi trồng thủy sản; đồng thời còn bất cập trong công tác quản lý cũng làm giảm hiệu quả, tính năng của công trình (ở Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, Nam Măng Thít...). Tất cả công trình thủy lợi đều chưa tính đến sự tác động của BĐKH. Rõ nhất là mùa khô năm 2010, tình trạng tranh chấp mặn- ngọt với vùng Bán đảo Cà Mau khá gay gắt, xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng ở hầu hết các tỉnh ven biển.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách, chiến lược và Phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nói: “Quy hoạch thủy lợi cần hướng tới thay đổi thích nghi với điều kiện tự nhiên. Tùy điều kiện của từng vùng, từng địa phương mà tính đến đầu tư hệ thống đê bao cố định để ngăn mặn, chặn nước biển dâng hay chọn phương án mở để tận dụng nước lũ đem lại nguồn phù sa, thủy sản, nước mặn cho rừng ngập mặn sinh thái ven biển và nuôi trồng thủy sản. Các công trình thủy lợi phải đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất, thoát lũ, vừa làm đường giao thông nông thôn nội vùng để vùng nông thôn có điều kiện phát triển, giao thương cũng thuận lợi hơn”. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Sơn, việc quy hoạch đầu tư hệ thống thủy lợi cần tạo điều kiện để người dân ứng phó và chủ động hơn với BĐKH, ưu tiên các công trình thoát lũ cho các đô thị có nguy cơ bị ngập úng cao khi nước biển dâng. Tính đúng và tính đủ để phát huy hiệu quả công trình.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết