10/04/2019 - 13:48

Hợp tác xã tiên tiến, kiểu mẫu 

Thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, bên cạnh việc khuyến khích phát triển, nhân rộng hợp tác xã (HTX) tại các xã xây dựng nông thôn mới (XD NTM), TP Cần Thơ còn tập trung nâng chất hoạt động của các HTX, như: cải thiện khả năng quản lý của nông dân; nâng cao chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh; tạo thu nhập ổn định cho nông dân… Đây cũng là mục đích chính của Dự án “Chương trình Xây dựng và Phát triển HTX tiên tiến- nông thôn mới” đang triển khai trên địa bàn thành phố.

Máy móc hiện đại phục vụ sản xuất lúa được trang bị tại HTX Đại Lợi, huyện Thới Lai. Ảnh: MỸ THANH

Máy móc hiện đại phục vụ sản xuất lúa được trang bị tại HTX Đại Lợi, huyện Thới Lai. Ảnh: MỸ THANH

Dự án hoạt động dưới sự tài trợ của Công ty SGS Việt Nam TNHH và đơn vị quản lý là Tổ chức ASSIST (Tổ chức phi Chính phủ của Philippines hoạt động dựa trên mục tiêu phát triển xã hội). Phạm vi Dự án được triển khai tại 6 HTX ở TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Đồng Tháp. Dự án nhằm xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu, từ đó nhân rộng như một tiêu chuẩn đối với các địa phương khác của Việt Nam. Đồng thời, tập trung vào các nội dung: cải thiện khả năng quản lý của nông dân; cải thiện chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh; đáp ứng yêu cầu quốc tế để có thể trở thành thành viên của Liên minh HTX quốc tế; mở rộng mạng lưới khách hàng; tăng cường sự ổn định trong thu nhập của nông dân...

Sau khi khởi động vào tháng 5-2018, tại Cần Thơ, HTX Thới Tân và HTX Đại Lợi (huyện Thới Lai) được chọn để triển khai thực hiện Dự án. Thông qua các buổi đến thăm và làm việc với các HTX, Dự án đã hoàn thành các hoạt động phân tích, đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển thành các HTX kiểu mẫu; tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về các vấn đề có liên quan… Bà Võ Phan Kim Ngân, đại diện Tổ chức ASSIST, cho biết: “Qua các chuyến khảo sát và làm việc với ngành nông nghiệp, lãnh đạo huyện Thới Lai và HTX, chúng tôi nhận thấy các HTX đã cơ bản hội đủ những điều kiện và yếu tố để triển khai Dự án. Ngoài ra, các xã viên, nông dân cũng rất tâm huyết trong việc cải tiến, nâng chất hoạt động của HTX và mong muốn ứng dụng GAP vào sản xuất để tìm được đầu ra thỏa đáng cho sản phẩm nông nghiệp do HTX làm ra”.

Từ những nền tảng có được, Dự án sẽ tiến hành chọn các chuyên gia và nhà quản lý từ các HTX, trường đại học, Viện Cây ăn quả miền Nam, Bộ/Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Ban Cố vấn hỗ trợ triển khai Dự án. Tiếp đó, thực hiện “đánh giá thiếu hụt” đối với những tiêu chí còn thiếu để xây dựng HTX tiên tiến, kiểu mẫu cho từng HTX và đề ra phương pháp khắc phục; phát triển cẩm nang hướng dẫn HTX và Ban Cố vấn. Ngoài ra, Dự án mở các buổi đào tạo về "Chuỗi cung ứng minh bạch: Từ trang trại đến bàn ăn", Chương trình đào tạo "Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp"... Sau Chương trình đào tạo về GlobalGAP, Dự  án triển khai tiếp chương trình đào tạo về “Phát triển HTX nông nghiệp” và “Quản lý hiệu quả theo Mailcom Baldrige”…

Để hình thành nên các HTX tiên tiến, kiểu mẫu, vấn đề quản lý sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết cho nông sản là rất quan trọng. Ông Nguyễn Minh Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đề xuất: Dự án nên tập trung cung cấp kiến thức chuyên môn về chứng nhận GlobalGAP; khả năng quản lý, thực hành sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn, chất lượng từ nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức hoạt động kinh doanh có hệ thống… Một số ý kiến cho rằng, trong tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới có 2 chỉ tiêu phải đạt là: Xã có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Trong đó, vấn đề liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hết sức quan trọng. Do vậy, muốn thành công, Dự án phải giải quyết được bài toán liên kết “4 nhà” để đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản. Đó là chưa kể, một khi mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp thực hiện thành công sẽ tạo hiệu ứng tác động cộng hưởng và lan tỏa đến các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, như: giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư…

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, giá lúa thường bấp bênh nên nông dân khó duy trì chứng nhận GlobalGAP sau khi Dự án kết thúc. Do đó, Dự án phải nghĩ đến các giải pháp kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định, tương xứng với công sức nông dân thì mới có thể duy trì lâu dài được. TP Cần Thơ đang tập trung cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, Dự án có thể tích hợp các nguồn lực từ chủ trương này để Dự án triển khai hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần có sự phối hợp, kết nối với các địa phương trong Dự án để quá trình triển khai Dự án thêm thuận lợi, thông suốt…

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết