05/07/2011 - 10:23

Hợp tác nuôi tôm "ít rủi, nhiều may"!

Mùa vụ nuôi tôm sú năm nay ở tỉnh Trà Vinh gặp nhiều bất lợi. Tính đến nay, trong số 1,7 tỉ con tôm giống được thả nuôi đã có trên 400 triệu con bị chết vì môi trường nước không tốt, dịch bệnh lây lan… khiến nông dân thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, ở huyện Cầu Ngang, có gần 100 nông hộ nhờ hợp tác cùng nhau nuôi tôm nên tránh được thiệt hại, tôm đang phát triển tốt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng để nghề nuôi tôm sú ít rủi, nhiều may!…

Mô hình nuôi tôm cộng đồng của ông Nguyễn Thanh Thưởng. 

Những ngày cuối tháng 6-2011, tình trạng tôm sú nuôi phải thu hoạch sớm vì dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn còn xảy ra. Thế nhưng, tại 17 ha nuôi tôm sú của 10 thành viên trong câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tôm nuôi đã được gần 3 tháng vẫn đang phát triển rất tốt. Ông Nguyễn Thanh Thưởng, thành viên câu lạc bộ, phấn khởi nói: “Tôm nuôi trong 2 ao tôm (0,7ha) của gia đình tôi đạt kích cỡ 50con/kg. Với kích cỡ đó, tôi không còn phải sợ rủi ro, thua lỗ!”. Anh Trần Thanh Thuận, thành viên câu lạc bộ, cho biết: “Ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông được chuyển đổi qua nuôi tôm sú nhiều năm, nhưng những năm trước hiệu quả đạt rất thấp. Lý do là mạnh ai nấy nuôi, thả con giống không đồng bộ, nuôi thiếu khoa học nên dịch bệnh lây lan. Năm 2008, được Trung tâm khuyến ngư và Phòng Nông nghiệp huyện vận động, khuyến khích thành lập câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng, được các kỹ sư hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật nên đạt kết quả khá cao...”. Theo anh Thuận, việc thành lập câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng thật sự là “bà đỡ” cho 10 thành viên của câu lạc bộ. Bởi, khi chưa làm ăn hợp tác, chẳng có ai biết khi thả tôm giống cần phải xét nghiệm con giống sạch bệnh, rồi việc quản lý môi trường, kiểm soát các thông số kỹ thuật độ kiềm, độ PH... kịp thời xử lý môi trường nước cho tôm nuôi. Vào câu lạc bộ, hàng tuần các hộ nuôi tôm được cán bộ khoa học tư vấn, trao đổi kinh nghiệm. Chính các yếu tố chọn con giống sạch bệnh (có xét nghiệm PCR), thả nuôi cùng lúc và đúng thời vụ, cùng chăm sóc, quản lý khoa học, đồng trách nhiệm, đồng lợi ích kinh tế,... nên 3 năm qua đều mang lại thành công. Cụ thể, vụ nuôi tôm sú năm 2010, câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ấp Cái Già Bến thu lãi hơn tỉ đồng. Bình quân 1 ha cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha.

Từ sự thành công của lạc bộ nuôi tôm cộng đồng ấp Cái Già Bến, đến nay huyện Cầu Ngang đã nhân rộng được 10 câu lạc bộ, tổ hợp tác nuôi tôm với gần 100 thành viên, diện tích hơn 150 ha mặt nước ao nuôi. Theo ông Dương Tấn Đởm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, vụ tôm 2011, trong khi nhiều hộ dân trong huyện tôm nuôi bị chết trên diện rộng thì 90% số hộ tham gia câu lạc bộ, tổ hợp tác, tôm nuôi đều phát triển tốt. Hiệu quả nuôi tôm cộng đồng cho lợi nhuận cao gấp 20-25% so với hộ cá thể. Ưu thế của mô hình nuôi tôm cộng đồng là diện tích ao nuôi tôm của các hộ thành viên liền kề nhau nên thuận lợi để cán bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn xây dựng ao nuôi đúng qui trình kỹ thuật. Khi mua tôm giống với số lượng nhiều, câu lạc bộ tìm mua đến tận cơ sở sản xuất và đem xét nghiệm để chọn giống chất lượng cao nhưng chi phí vẫn thấp hơn hộ cá thể. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần, cán bộ kỹ thuật còn hỗ trợ các thành viên xử lý môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh và chăm sóc tôm nuôi an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 – TP Hồ Chí Minh là người có công khởi xướng mô hình nuôi tôm sú công nghiệp tại tỉnh Trà Vinh, từng khuyến cáo: Người nuôi tôm nên liên kết cộng đồng lại với nhau nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cộng đồng bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi ích... để nghề nuôi tôm giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững. Thực tiễn những câu lạc bộ, tổ hợp tác nuôi tôm cộng đồng tại huyện Cầu Ngang đang đi đúng hướng - là bài học hay, thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân và nhà quản lý.

Bài, ảnh: Phúc Sơn

Chia sẻ bài viết