10/11/2020 - 10:26

Hợp tác liên vùng, đa bên đưa ĐBSCL phát triển bền vững 

ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hiểm họa từ các đập thủy điện thượng nguồn và mặt trái của phát triển kinh tế - xã hội. Để đối phó với những khó khăn trước mắt và định hướng phát triển lâu dài, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, vấn đề liên kết vùng, hợp tác đa chiều để phát huy tiềm năng, lợi thế cùng vượt qua thách thức phải được đặt lên hàng đầu.

Một cống ngăn mặn tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Một cống ngăn mặn tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. 

Thách thức

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Ðại học Cần Thơ, cho biết: Trong 2 thập kỷ qua, ÐBSCL chứng kiến nhiều hiện tượng cực đoan khí hậu, phá vỡ các quy luật khí tượng và thủy văn đã ghi nhận trước đó. Các yếu tố thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa bất thường, thay đổi dòng chảy và nước biển dâng đang có xu thế gia tăng cường độ và tần suất xuất hiện ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất người dân. Năm 2020, ÐBSCL chứng kiến hiện tượng xâm nhập mặn và nhiễm mặn vô cùng khốc liệt. Nếu trong mùa khô lịch sử 2016, nước mặn 1‰ vào sông Hậu đến 55-60km, chạm vào điểm Cái Cui, quận Cái Răng, TP Cần Thơ thì đến năm 2020 tại vị trí Cái Cui độ mặn 3‰ đã xuất hiện. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nước mặn đã thực sự đi vào các hệ thống sông ở vùng ÐBSCL.

Theo TS Ðào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Tư vấn bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (CEWWAREC), để thích ứng với biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành ÐBSCL thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, cơ cấu sản xuất nông nghiệp (cây, con) chưa phù hợp với điều kiện sinh thái, thế mạnh của ÐBSCL. Không chỉ vậy, ÐBSCL còn đang phải đối mặt với những mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội: ô nhiễm do phát triển công nghiệp, nông nghiệp; đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt; khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún; khai thác cát thiếu kiểm soát gây sạt lở bờ sông, bờ biển…

Một nguy cơ đe dọa ÐBSCL là diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Hiện diện tích rừng của ÐBSCL chỉ còn lại 249.335ha, độ che phủ chỉ ở mức 5,4%. Giai đoạn 1980-1995, các tỉnh ÐBSCL làm mất 72.825ha rừng, bình quân hằng năm mất 4.855ha, với tốc độ 5%/năm. Với thực trạng vừa nêu, nếu không có các biện pháp quản lý, bảo vệ kịp thời sẽ không đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình phát triển ÐBSCL thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, chồng chéo, thiếu phối hợp. Những bất cập này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của ÐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Giải pháp nào cho ĐBSCL?

Theo các chuyên gia, việc tìm giải pháp thích ứng với các biến đổi khí hậu không hề dễ dàng và rất tốn kém. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp để giảm thiểu các tác động và từng bước phục hồi các tổn thương cho vùng ÐBSCL hướng đến sự phát triển bền vững. Ðơn cử: hạn chế khai thác nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm; phát triển rừng ngập mặn; tăng cường liên kết giữa các tiểu vùng và địa phương, giữa ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Bên cạnh đó, cần quy hoạch và phát triển bền vững ÐBSCL bám sát Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, giá trị kinh tế cao với 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo; phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, kết hợp với phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp…

Người dân trồng rừng tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Người dân trồng rừng tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ đã có những định hướng rất tốt cho sự phát triển bền vững ÐBSCL nhưng cần có một "nhạc trưởng" để dẫn dắt, kết nối liên vùng, đa bên. Có như vậy mới tạo được sức mạnh tổng hợp của cả vùng, từ đó phát huy tối đa lợi thế, tránh lãng phí nguồn vốn, tài nguyên và mang về hiệu quả cao nhất. "Nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách chính là khuyến cáo sớm cho bà con thời gian gieo sạ và thu hoạch phù hợp, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu. Ðồng thời, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; có các biện pháp trữ nước cuối mùa lũ kết hợp xây dựng các trạm xử lý nước mặt thành nước ngọt để đảm bảo nguồn cung nước ngọt sinh hoạt. Ở tầm vĩ mô, cần có các chính sách, chế tài nhằm hạn chế tình trạng khai khác nước ngầm ồ ạt; định hướng phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước ở hai vùng trũng lớn nhất ÐBSCL là Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười" - PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.

Còn TS Ðào Trọng Tứ cho rằng, bên cạnh việc thích ứng trong nông nghiệp, còn cần thích ứng trong chiến lược phát triển ngành Công nghiệp và dịch vụ. Trong đó chú trọng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học...) song hành cùng quá trình xây dựng và sử dụng dịch vụ chung và hạ tầng chung như đô thị thông minh, hệ thống xử lý nước thải...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết